Cụ thể, mực nước đo lúc 17 giờ ngày 7/8 tại các trạm thủy văn như sau: trạm Ba Thá (huyện Ứng Hòa) trên sông Đáy là 3,86m; trạm Vĩnh Phúc (huyện Quốc Oai) trên sông Tích là 6,77m; trạm Kim Quan (huyện Thạch Thất) trên sông Tích là 7,08m; trạm Yên Duyệt (huyện Chương Mỹ) trên sông Bùi là 5,28m. Nhìn chung, mực nước đang chiều hướng giảm nhanh và dưới báo động I và II.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Ban Chỉ huy cho biết, thành phố chỉ đạo các huyện tập trung triển khai hiệu quả các phương án ứng phó, khắc phục hậu quả, đảm bảo đời sống người dân, phục hồi sản xuất, không để bị động, bất ngờ. Các thành viên Ban Chỉ huy khẩn trương triển khai nhiệm vụ được giao; thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện. Công tác thông tin báo chí, nắm bắt dư luận đối với khu vực bị ảnh hưởng, thiệt hại được quan tâm.
Hiện nay, nước lũ trên địa bàn cả 3 huyện đã rút, người dân đang trở lại cuộc sống và khôi phục sản xuất, vệ sinh môi trường.
Ngày 8/8, tất bật cùng con gái chuẩn bị chuyến hàng giao sớm, bà Nguyễn Thị Từ, xóm Bến Vôi, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai trao đổi với phóng viên TTXVN cho biết, nhà bà chuyên thu mua thịt ốc bươu vàng của các hộ dân trong xã. Công việc kinh doanh của gia đình bà đã ổn định trở lại từ khoảng 5 ngày trở lại đây.
"Ngập khiến người dân không đi bắt ốc được nên nhà tôi cũng ngừng thu mua, ảnh hưởng đến thu nhập. Cũng may, nhà tôi ở trục đường chính nên nước rút nhanh, còn những hộ ở phía ruộng thì lâu hơn", bà Nguyễn Thị Từ chia sẻ.
Sau khi nước rút, anh Nguyễn Văn Tân, thôn Nam Hài, xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ đã đón con từ nhà ông bà ngoại về. Trước đó, ngay từ khi nghe được thông tin dự báo thời tiết, có nguy cơ xảy ra ngập nặng tại huyện, vợ chồng anh liền gửi hai con sang nhà ông bà ngoại. "Cuộc sống ổn định rồi, vợ chồng tôi dành ra 2 ngày để vệ sinh nhà cửa và cùng người dân dọn dẹp đường làng, ngõ xóm. Đồ đạc trong nhà cũng may kịp chuyển lên cao nên không hư hại nhiều", anh Nguyễn Văn Tân cho biết.