Mũi đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở Quảng Ninh

2 năm trước 164

Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã xác định, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo phải gắn với đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hoá - hiện đại hoá - đô thị hoá; kết hợp chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp. Đồng thời, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo gắn liền với phát triển bền vững các khu công nghiệp, khu kinh tế thực sự trở thành những động lực tăng trưởng.
 
Tỉnh chú trọng phát triển khu công nghiệp theo mô hình “3 trong 1” khu công nghiệp - khu đô thị - khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, dịch vụ tiện ích khác biệt tạo môi trường làm việc và môi trường sống văn minh, an toàn.

Chú thích ảnhQuy trình sản xuất đông lạnh tôm theo quy chuẩn xuất khẩu nước ngoài tại tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN

Lợi thế phát triển

Thực hiện Nghị quyết trên trong bối cảnh Quảng Ninh có các lợi thế về hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, các khu công nghiệp, đường cao tốc chạy dọc tỉnh đấu nối trực tiếp với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc... Điều này tạo ra động lực để công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh phát triển nhanh, mạnh, bền vững, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng bền vững của tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TU, UBND tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Chương trình hành động số 01/CTr-UBND và triển khai một cách đồng bộ, bài bản. Các địa phương, đơn vị đã chỉ đạo chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai; trong đó cụ thể hoá các nhiệm vụ, giải pháp và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân có liên quan để tổ chức thực hiện; xây dựng lộ trình hoàn thành để thuận tiện cho công tác theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, giám sát.

Những quỹ đất ở những vị trí đẹp nhất, đắc địa nhất đều được ưu tiên dành cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở công nhân, nhà ở xã hội với các thiết chế văn hóa - xã hội đồng bộ, hiện đại nhằm thu hút và giữ chân lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp chế biến, chế tạo trên địa bàn. Chính quyền địa phương tích cực vào cuộc thực hiện giải phóng mặt bằng sạch tạo ra quỹ đất phục vụ cho các nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng cho hay, việc giải phóng mặt bằng được cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai quyết liệt nhằm tạo điều kiện để chủ đầu tư các dự án hạ tầng khu công nghiệp hoàn thiện các hạng mục hạ tầng. Hiện nay, trong 5 khu công nghiệp với hàng trăm ha đang triển khai trên địa bàn thị xã sẵn sàng đón các nhà đầu tư thứ cấp.

Trong suốt mùa dịch COVID-19, Quảng Ninh tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để giữ được địa bàn an toàn để duy trì sản xuất các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh tiếp tục được quan tâm.
 
Thời gian cấp phép cho các dự án đầu tư tiếp tục xác lập kỷ lục mới, điển hình là dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam với tổng mức đầu tư gần 500 triệu USD được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong vòng chưa đầy 24 giờ sau khi nhận đủ hồ sơ. Chỉ sau 4 tháng triển khai xây dựng, dự án đã đi vào vận hành sản xuất, vượt trước 7 tháng so với tiến độ đặt ra ban đầu.

Thành công bước đầu

Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh Quảng Ninh đã tăng lên rõ rệt, đang dần tiến tới mục tiêu đến năm 2025, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 15% trong GRDP, tương đương mức tăng 1,04%/năm. Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 2 năm đạt xấp xỉ 19%, cao hơn so với mức bình quân đã đề ra theo Nghị quyết 01 là 17%/năm.

Trong 2 năm, toàn tỉnh đã thu hút 14 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn cho 5 lượt dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong số đó, năm 2021 thu hút 10 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 4 lượt dự án; 9 tháng năm 2022 thu hút 4 dự án mới, điều chỉnh tăng vốn 1 lượt dự án.

Tổng vốn đầu tư đã thu hút trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt trên 32.976 tỷ đồng; trong đó, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt 1.112 triệu USD, đạt 65,8% mục tiêu đã đề ra là 50.000 tỷ đồng đến năm 2025, bình quân 10.000 đồng/năm. Các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã tạo việc làm cho gần 1 vạn lao động mới, nâng tổng số lao động làm việc trong lĩnh vực này lên trên 63.000 người.

Thị xã Quảng Yên với Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của Quảng Ninh, phát triển theo mô hình “Thành phố thông minh” với các khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ - cảng biển thông minh, hiện đại. Chủ tịch UBND Thị xã Quảng Yên Trần Đức Thắng cho hay, hiện thị xã có 5 khu công nghiệp đang được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động, với lợi thế đó đã đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thị xã. Đồng thời, là địa phương thu hút được nhiều nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Ninh.
 
Cơ cấu khu vực công nghiệp - xây dựng của Quảng Yên đang chuyển dịch mạnh mẽ, tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo trong cơ cấu kinh tế tăng nhanh. Giá trị sản xuất tại các khu công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn đạt 9.486 tỷ đồng, chiếm 88% tổng giá trị ngành công nghiệp trên địa bàn thị xã, tăng 73,5% so với cùng kỳ.

Kết quả bước đầu nói trên một lần nữa khẳng định công nghiệp chế biến, chế tạo là một ngành kinh tế quan trọng và trở thành trụ cột chính của địa phương, là bước đi cụ thể hóa thiết thực chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Trung ương. Đồng thời khẳng định, Nghị quyết số 01-NQ/TU là một trong các Nghị quyết có tính chất tư duy, chiến lược của tỉnh Quảng Ninh, tạo tiền đề quan trọng để thu hút các dự án chế biến chế tạo, tạo đột phá về phát triển, tăng trưởng ổn định, bền vững của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian tiếp theo.

Hướng tới mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu phải tiếp tục đổi mới về xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư theo hướng chủ động, mang tính chuyên môn cao; nghiên cứu xây dựng, ban hành bộ tiêu chí lựa chọn các nhà đầu tư thứ cấp vào các khu công nghiệp để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; đôn đốc chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng đồng bộ; khuyến khích thu hút đầu tư các hạ tầng xã hội, dịch vụ thiết yếu phục vụ người lao động.
 
Cùng đó, tỉnh quan tâm những chính sách để chuyển đổi cơ cấu lao động tại địa phương, chính sách về đào tạo và đào tạo lại lao động để góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh; xác định đúng địa bàn động lực, khu vực trung tâm, trọng điểm của trọng điểm để ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Nguồn bài viết