Mô hình 'Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm' trên tuyến biên giới Lạng Sơn

11 tháng trước 77
Chú thích ảnhCán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) tuần tra khu vực biên giới phòng, chống người xuất, nhập cảnh trái phép. Ảnh tư liệu: Thái Thuần/TTXVN

Quản lý, bảo vệ gần 23 km đường biên giới và phụ trách địa bàn 3 xã (gồm: Thanh Long, Thụy Hùng và Trùng Khánh của huyện Văn Lãng), Đồn Biên phòng Na Hình đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia đấu tranh tố giác các loại tội phạm; cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động vi phạm chủ quyền biên giới quốc gia.

Trung tá Hoàng Văn Thuận, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Na Hình cho biết, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đơn vị đã nhận được nhiều nguồn tin có giá trị liên quan đến an ninh trật tự do người dân cung cấp. Từ đầu năm 2023 đến nay, người dân đã cung cấp cho đơn vị trên 20 tin báo có giá trị về công tác phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, bảo vệ biên giới. Đơn vị đã bắt giữ và xử lý hình sự nhiều vụ việc phạm tội về ma túy.

Để thực hiện hiệu quả mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đã chỉ đạo các đồn Biên phòng tham mưu, phối hợp với địa phương làm tốt công tác phòng ngừa xã hội bằng nhiều hình thức như: tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự an toàn xã khu vực biên giới; tọa đàm “Cán bộ, hội viên phụ nữ xã biên giới tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm, xây dựng gia đình hạnh phúc”; thành lập Tổ tự quản an ninh trật tự...

Từ năm 2018 đến nay, các đơn vị Biên phòng đã tiến hành lắp đặt 84 “Hòm thư tố giác tội phạm” tại các thôn, bản; thành lập 21 Tổ thông tin truyền thông của Đồn Biên phòng và các xã, thị trấn biên giới. Cùng với đó, các đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, nhất là các văn bản liên quan đến biên giới, biên phòng và an ninh trật tự; hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội.

Chị Đàm Thị Sen, Trưởng thôn Nà Nưa (xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định) cho biết, mô hình của lực lượng Biên phòng được người dân trong thôn nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều gia đình đã ký kết tham gia tự quản đường biên và cột mốc. Người dân sinh sống trên địa bàn đã hiểu và chấp hành tốt pháp luật. Nhờ đó, tình hình an ninh trật tự thôn, bản được giữ vững. Mọi người đều yên tâm, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế.

Xác định phòng ngừa tội phạm là nhiệm vụ thường xuyên, các đồn Biên phòng tỉnh Lạng Sơn đã xây dựng kế hoạch, chủ trì, phối hợp với các lực lượng và địa phương để nắm chắc tình hình nội, ngoại biên; thực hiện có chiều sâu các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện đường dây, đối tượng tội phạm; tuần tra, kiểm soát chặt chẽ biên giới, cửa khẩu, địa bàn, chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật, hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội. Đồng thời, các đồn Biên phòng chủ động xây dựng kế hoạch nghiệp vụ, xác lập chuyên án đấu tranh, triển khai đồng bộ các biện pháp, tập trung lực lượng, phương tiện tấn công, trấn áp tội phạm, đấu tranh xử lý nghiêm các loại tội phạm, các vụ việc vi phạm pháp luật.

Năm năm qua, lực lượng Biên phòng tỉnh đã tổ chức đấu tranh thành công nhiều chuyên án, vụ án phạm tội về ma túy, pháo nổ, buôn bán hàng lậu qua biên giới. Đơn vị chủ trì phát hiện, bắt giữ và xử lý hơn 900 vụ với 1.020 đối tượng; phối hợp với các lực lượng phát hiện, bắt giữ trên 150 vụ với 181 đối tượng phạm tội; phối hợp với địa phương cơ sở giải quyết 7 vụ việc phức tạp về an ninh trật tự...

Trung tá Đặng Nam Cao, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn cho hay, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy chính quyền địa phương triển khai tốt việc thu hồi vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Ba năm qua, nhờ đơn vị tích cực tuyên tuyền, nhân dân đã giao nộp gần 100 súng kíp, súng tự chế, súng AK và gần 3.000 viên đạn các loại..., qua đó, góp phần giảm thiểu nguy cơ mất an ninh trật tự ở khu vực biên giới.

Thượng tá Trịnh Nguyên Sáng, Trưởng Phòng Phòng, chống tội phạm và ma túy, Biên phòng tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh, việc triển khai mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm” là cách làm sáng tạo, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn trên địa bàn. Mô hình hiện được triển khai và thực hiện rộng khắp trên toàn tuyến biên giới. Từ năm 2018 đến nay, Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn đã nhận được trên 700 nguồn tin báo liên quan đến an ninh trật tự do người dân cung cấp. Trong đó, nhiều tin báo quan trọng giúp lực lượng Biên phòng phá thành công các chuyên án lớn và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm.

Mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm” của Biên phòng tỉnh Lạng Sơn triển khai ở khu vực biên giới trong tình hình hiện nay là phù hợp, cần thiết. Qua đó, giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân nâng cao nhận thức và tích cực tham gia sâu rộng các hoạt động của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội.

Nguồn bài viết