Đầu tháng 12 Âm lịch, hoa đào bắt đầu khoe sắc hồng trên những bản làng vùng cao tại huyện Bắc Yên. Đây cũng là thời điểm Tết của đồng bào dân tộc Mông rộn ràng bắt đầu. Những năm gần đây, Tết của người Mông có một vài đổi mới nhưng không vì thế mà làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng, nét đẹp văn hóa truyền thống.
Ngôi nhà của gia đình anh Hạng A Anh ở bản Chang Dua Hang, xã Làng Chếu vừa mới được hoàn thành. Các thành viên trong gia đình đang tất bật sửa soạn và làm những thủ tục đón Tết cổ truyền.
Tùy vào điều kiện, các hộ dân ở xã Làng Chếu có thể tổ chức các nghi lễ vào bất kể ngày nào trong dịp Tết. Những nghi lễ, phong tục chính mà người Mông sẽ thực hiện trong ngày Tết là xua đuổi những điều không tốt của năm cũ và dán giấy niêm phong công cụ lao động của gia đình. Việc dán giấy lên công cụ lao động được người chủ gia đình thực hiện rồi xếp vào cạnh góc bàn thờ. Người Mông xem đây như sự tri ân chiếc cày, chiếc bừa, cây dao, cây búa... bởi trong năm qua những đồ vật này đã giúp họ làm nương, làm vườn để sản xuất lương thực, thực phẩm cho gia đình.
Với gia đình anh Hạng A Anh nói riêng cũng như đồng bào người Mông nói chung, trong mâm cỗ ngày Tết, bánh dày là món không thể thiếu. Đồng bào dân tộc Mông quan niệm, bánh dày tròn tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời - là nguồn gốc sinh ra con người, vạn vật trên mặt đất. Gạo nếp nương ngâm và đồ thành xôi, rồi đổ vào một máng gỗ. Các chàng trai sức vóc khỏe mạnh dùng chày thay nhau giã đến khi thật nhuyễn và mịn, rồi gói lại bằng lá chuối. 6 cặp bánh đầu tiên gồm 12 chiếc tượng trưng cho 12 tháng trong một năm được dâng lên trời đất và vị thần mùa màng.
Anh Hạng A Anh phấn khởi cho biết, Tết năm nay đặc biệt ý nghĩa với gia đình anh vì hai vợ chồng vừa được chính quyền hỗ trợ dựng căn nhà mới. Nhờ đó, gia đình anh đã có nơi ở khang trang, ấm cúng để quây quần đón Tết. Đây là dịp để anh và các thành viên trong nhà cùng nhau ôn lại những việc của năm cũ, duy trì bản sắc riêng của dân tộc Mông.
Đến với vùng cao Bắc Yên vào những ngày này, đón Tết cùng đồng bào Mông chính là cơ hội để du khách khám phá những phong tục, nghi lễ cùng nét văn hóa độc đáo được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những trò chơi, những câu hát, tiếng khèn như tăng thêm tình đoàn kết của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Là du khách đến từ Hà Nội, chị Lê Như Quỳnh vô cùng ngạc nhiên bởi những điệu múa, trò chơi của đồng bào dân tộc Mông nơi đây. Chị rất thích thú bởi đây là lần đầu tiên chị đến Bắc Yên và được thưởng thức những điệu múa, trang phục truyền thống, những trò chơi đặc sắc.
Chị Lê Như Quỳnh chia sẻ, đến với Tết của người Mông mới thấy, họ thể hiện bản sắc của dân tộc rất độc đáo. Chị ấn tượng nhất với những bộ trang phục thổ cẩm với màu sắc sặc sỡ của bà con. Họ chơi những trò chơi dân gian mà chị ít được gặp nên thấy rất thú vị. Con người nơi đây khá thân thiện, vui vẻ. Nếu có có dịp, chị mong muốn quay lại nơi đây để tìm hiểu khám phá thêm về nét văn hóa của người dân.
Với đặc thù là huyện vùng cao của tỉnh Sơn La, Bắc Yên có trên 45% dân số là đồng bào dân tộc Mông. Chính quyền địa phương luôn quan tâm, tạo điều kiện để đồng bào Mông gìn giữ những phong tục, nghi lễ, những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Qua đó, duy trì bản sắc dân tộc và góp phần việc việc thu hút khách du lịch đến tìm hiểu văn hóa địa phương.
Bà Trịnh Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Yên cho biết, Tết sớm từ lâu đã trở thành nét văn hóa đặc sắc, mang bản sắc của bà con dân tộc Mông nói riêng và mảnh đất Bắc Yên nói chung. Các phong tục tập quán, lễ hội trong dịp Tết của đồng bào Mông góp phần đa dạng các tài nguyên du lịch và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù của huyện.
Sản phẩm du lịch này khi gắn với văn hóa dân gian sẽ có sức hấp dẫn riêng, thúc đẩy sự phát triển của du lịch địa phương. Các ngành dịch vụ, du lịch phát triển sẽ tạo việc làm cho người dân địa phương, tăng thu nhập, nâng cao đời sống mọi mặt cho nhân dân.