Lãnh đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra thực tế những thiệt hại do thiên tai gây ra

2 năm trước 257

Trước tình hình trên, sáng 10/7, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đã có chuyến kiểm tra công tác hộ đê, phòng chống thiên tai và các dự án đang triển khai trên tuyến đê biển Tây.

Chú thích ảnhChủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (áo xanh, trái) lắng nghe ý kiến của ngành chức năng về việc đầu tư, hoàn thiện một dự án tái định cư cho người dân ven biển Tây. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Đoàn công tác đến kiểm tra các công trình dân sinh tại khu vực đê biển Tây thuộc địa bàn xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời. Ghi nhận tại đây, các khu tái định cư nằm trong chân đê đang trong giai đoạn hoàn thành cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, hệ thống đèn chiếu sáng, phần nền… Những hộ thuộc diện được tái định cư đã được địa phương lập danh sách cụ thể, rà soát kỹ càng, tránh để xảy ra trường hợp nhận nền tái định cư sau đó sang bán cho người khác.

Ông Trần Tấn Công, Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, các khu tái định cư hình thành và đưa vào sử dụng không chỉ giúp người dân nơi đây thêm ổn định cuộc sống, mà xa hơn còn hướng đến chuyển đổi ngành nghề phù hợp.

Cà Mau đang bước vào cao điểm của mùa mưa bão, nhiều đoạn trên tuyến đê biển Tây hiện đai rừng phòng hộ còn rất mỏng, thậm chí nhiều đoạn sạt lở đã tới chân đê, uy hiếp trực tiếp đến an toàn đê. Tuy nhiên, những đoạn đê có nguy cơ sạt lở cao, rừng phòng hộ thưa nhưng được bảo vệ bằng kè chắn sóng đã góp phần bảo vệ chân đê vững vàng hơn, trong đó kè ly tâm được đánh giá là mang lại hiệu quả khá cao.

Đoàn công tác đã đến kiểm tra những điểm sụt lún tại Khu di tích Hòn Đá Bạc. Tại đây, Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Quốc Việt chỉ đạo ngành chức năng có liên quan cần sớm có biện pháp khắc phục; đồng thời lưu ý, bên cạnh tính hiệu quả của công trình là bảo vệ được chân đê còn phải tạo được vẽ mỹ quan nhằm phục vụ nhu cầu tham quan, tìm hiểu của du khách...

Chiều 10/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử cùng Đoàn công tác đã đến kiểm tra thiệt hại do mưa lớn liên tục kèm theo dông lốc gây trên địa bàn huyện Trần Văn Thời.

Theo báo cáo của huyện Trần Văn Thời, rạng sáng 9/7, trên địa bàn huyện có mưa to kèm theo dông làm sập, tốc mái 209 căn nhà, trong đó sập 18 căn, tốc mái 191 căn, sập 344,9 ha lúa Hè Thu, nhiều cây xanh, hạ tầng bị đổ ngã… Ước tổng thiệt hại trên 850 triệu đồng.

Chú thích ảnhMưa lớn kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại 752 căn nhà của người dân tỉnh Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN

Theo thống kê ban đầu từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, tình trạng mưa lớn kèm theo dông lốc đã gây thiệt hại lớn đến nhà cửa và diện tích sản xuất của người dân tại nhiều địa phương, đáng kể là huyện Trần Văn Thời, Cái Nước, Phú Tân và Đầm Dơi. Thiên tai đã gây thiệt hại 752 căn nhà của người dân cùng với đó đã gây ngã đổ 346 ha lúa, hoa màu. Thiên tai còn khiến 1 người bị thương. Ước thiệt hại đến nay là trên 5,2 tỷ đồng.

Qua kiểm tra thực tế cho thấy, diện tích lúa của người dân có bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể, nhiều diện tích lúa đã được khắc phục kịp thời. Số lượng nhà bị sập, tốc mái đa phần là nhà ở tạm bợ. Ước tính thiệt hại có giảm hơn so với số liệu báo cáo ban đầu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử lưu ý địa phương, bên cạnh đẩy mạnh các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, các địa phương cần nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân sớm ổn định cuộc sống, sản xuất; bên cạnh đó, công tác thống kê báo cáo cần nhanh chóng, chính xác để lấy đó làm cơ sở hỗ trợ cho người dân nếu đủ điều kiện.

Nguồn bài viết