Nóng bỏng cuộc chiến chống nhập cảnh trái phép
Theo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP), từ đầu năm 2021 đến nay lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 14.000 người NCTP. Riêng trong tháng 4/2021 tình hình hoạt động xuất NCTP vẫn diễn biến phức tạp, tập trung chủ yếu vào số người Trung Quốc và người Việt Nam làm ăn tại Trung Quốc NCTP vào Việt Nam. Đồng thời một số lượng lớn người Việt Nam tại Lào, Campuchia tìm cách NCTP về nước tránh dịch, trốn cách ly. Các đơn vị BĐBP đã tích cực, chủ động triển khai ngăn chặn và điều tra, xác minh đấu tranh hiệu quả với hoạt động xuất NCTP, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống dịch COVID-19.
Trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Trung Quốc vẫn tăng cường kiểm tra công dân Việt Nam lao động, cư trú trái phép trên lãnh thổ Trung Quốc để đẩy về, trao trả qua biên giới; duy trì chặt chẽ kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn hoạt động xuất NCTP và phòng chống dịch bệnh. Trong tháng 4/2021, lực lượng BĐBP đã phát hiện 308 vụ với 2.553 người xuất NCTP, tập trung chủ yếu địa bàn biên giới tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lai Châu.
Còn trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, lực lượng chức năng 2 nước duy trì kiểm soát chặt chẽ biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất NCTP và đã phát hiện 70 vụ với 223 người xuất NCTP, tập trung chủ yếu địa bàn biên giới tỉnh Điện Biên, Quảng Trị, Kon Tum. Đáng chú ý là đã phát hiện hoạt động tổ chức, đưa đón người Trung Quốc NCTP từ biên giới phía Bắc qua các tỉnh tuyến Việt Nam - Lào để xuất cảnh trái phép sang Lào khả năng tiếp tục đi Campuchia.
Đại úy Nguyễn Xuân Thế, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo (Quảng Trị) cho biết: Nhằm chống người xuất NCTP qua biên giới, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị đã tăng cường hơn 100 cán bộ chiến sĩ BĐBP và 100 cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, dân quân tự vệ địa phương tăng cường bảo vệ biên giới. Đến nay, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã triển khai thành lập 27 chốt kiểm dịch COVID-19 dọc 16km đường biên giới Việt - Lào đoạn qua tỉnh Quảng Trị. Các chốt phòng dịch COVID-19 được dựng lên với lực lượng chủ công là biên phòng.
Đặc biệt trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, lực lượng vũ trang đang siết chặt, kiểm tra, kiểm soát các cửa khẩu, đường mòn, lối mở biên giới, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có phương án chỉ đạo ứng phó phù hợp với từng mức độ dịch, sát với tình hình thực tế. Đồng thời tuyệt đối không coi nhẹ công tác tuyên truyền.
Theo Thượng tá Lê Văn Tú, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4: Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, hoạt động xuất NCTP chủ yếu là người Việt Nam lao động ở Campuchia nay NCTP về nước, tránh dịch, trốn cách ly. Lực lượng chức năng đã phát hiện 9 vụ với 45; trong đó tập trung nhiều là ở địa bàn biên giới tỉnh Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang. Đáng chú ý một số doanh nghiệp Việt Nam triển khai các dự án (trồng cao su) quản lý sử dụng lao động thời vụ người Việt Nam còn lỏng lẻo dẫn đến hoạt động xuất NCTP của người lao động trong thời gian qua.
Siết chặt quản lý biên giới, đường mòn, lối mở và tuyến biển
Trước tình hình nhập cảnh trái phép, Thiếu tướng Hoàng Hữu Chiến, Phó Tham mưu trưởng BĐBP đề nghị: "Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân khu vực biên giới, vùng biển không tiếp tay, không bao che, đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân tố giác những người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phát động".
Thực hiện Công văn 3440 của Ban Chỉ đạo Quốc gia ngày 27/4, hiện Việt Nam chỉ cho phép người nhập cảnh là chuyên gia, người có hộ chiếu công vụ, công nhân nghề kỹ thuật cao, sinh viên và một số trường hợp đặc biệt vì lý do nhân đạo.
Sau cuộc họp với Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ngày 27/4 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép và phòng chống dịch COVID-19, Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng yêu cầu: "Công tác quản lý, bảo vệ biên giới, chống xâm nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19 trong thời điểm hiện nay là nhiệm vụ chiến đấu của BĐBP trong thời bình. Tôi yêu cầu cấp ủy, chỉ huy, nhất là người đứng đầu các cấp cần quyết tâm chính trị cao nhất, quyết liệt, khẩn trương nhất bảo đảm an toàn cho nhân dân, cộng đồng và của chính chúng ta. Đối với chỉ huy các đơn vị trong giai đoạn này yêu cầu phải tăng cường trực tiếp xuống biên giới để chỉ huy, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ biên giới”.
Trên thực địa tại các tổ chốt, tại các cửa khẩu, các lực lượng chức năng tập trung vào các hướng, địa bàn trọng điểm, phức tạp, nhất là trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia. Kiểm tra, rà soát lại các vị trí, tổ chốt và lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng tăng cường khi có tình huống xảy ra.
Bộ Tư lệnh BĐBP đã yêu cầu đảm bảo trực 100% quân số và làm nhiệm vụ 24/24 giờ tại các tổ chốt biên giới.
Hiện tại, Bộ Quốc phòng đã đồng ý chủ trương tăng cường khoảng 1.250 cán bộ, chiến sĩ thuộc các Quân khu 5, Quân khu 7, Quân khu 9 và khoảng 700 cán bộ, chiến sĩ thuộc các Quân khu 2 và Quân khu 4 để phối hợp cùng lực lượng Bộ đội Biên phòng cùng làm nhiệm vụ tại các tổ chốt trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng thống nhất chủ trương sẽ điều động lực lượng, tăng cường 4 tàu của lực lượng Hải quân và 4 tàu của Cảnh sát biển để phối hợp với các Hải đoàn, Hải đội trực thuộc các Đồn Biên phòng các tỉnh để quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biển từ Bạc Liêu, Cà Mau đến Kiên Giang.
Điều này thể hiện sự quan tâm, chia sẻ, phối hợp giúp đỡ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, toàn quân đối với BĐBP để giúp lực lượng này có điều kiện tốt hơn, đỡ khó khăn, vất vả trong thực hiện nhiệm vụ chung. Đồng thời đề phòng, chống lây nhiễm chéo cho các lực lượng làm nhiệm vụ trên biên giới theo phân bổ của Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng phối hợp với cơ quan y tế địa phương tổ chức tiêm vắc xin cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên toàn tuyến xong trước ngày 15/5.