Lufthansa sử dụng công nghệ 'da cá mập' trang bị cho máy bay để giảm khí thải

3 năm trước 1988
Chú thích ảnhMáy bay của hãng hàng không Lufthansa cất cánh từ sân bay Tegel ở Berlin, Đức. Ảnh: THX/TTXVN

Đây là dự án hợp tác giữa tập đoàn hóa chất BASF của Đức và Lufthansa, theo đó, từ năm 2022, tập đoàn hàng không này sẽ trang bị cho 10 máy bay Boeing 777 lớp màng AeroSHARK mới được phát triển bằng công nghệ đặc biệt.

Ước tính công nghệ này sẽ giúp Lufthansa cắt giảm hơn 1% tổng lượng khí phát thải, tương ứng gần 11.700 tấn khí thải CO2 và tiết kiệm 3.700 tấn nhiên liệu máy bay hằng năm. Theo Lufthansa, lượng khí phát thải và nhiên liệu này tương ứng 48 chuyến bay chở hàng từ Frankfurt (Đức) tới Thượng Hải (Trung Quốc). 

Da cá mập có tác dụng giảm lực cản bề mặt khi di chuyển với tốc độ cao. Do đó, trong nhiều năm qua, giới khoa học luôn tìm cách đưa công nghệ này vào ứng dụng thực tế, từ ứng dụng trong các lĩnh vực quân sự, hàng không, cho đến công nghệ chế tạo đồ bơi. 

Theo giới chức BASF, công nghệ da cá mập sẽ giúp Lufthansa đạt được các mục tiêu bền vững đề ra cũng như xây dựng ngành hàng không thân thiện hơn với môi trường. 

Năm 2020, Lufthansa phát thải tổng cộng hơn 11 triệu tấn CO2, giảm so với 33 triệu tấn phát thải năm 2019 - thời điểm trước khi hoạt động đi lại giảm mạnh do đại dịch COVID-19. Lufthansa đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 50% lượng phát thải so với mức năm 2019.

Nguồn bài viết