Hội thảo "Hộ chiếu vắc xin - Giải pháp hướng đến du lịch an toàn" - Ảnh: MINH KHÔI
Ngày 25-3, tại TP Phú Quốc, Kiên Giang, báo Tuổi Trẻ tổ chức buổi tọa đàm với chủ đề Hộ chiếu vắcxin - Giải pháp hướng đến du lịch an toàn với đại diện lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng cục Du lịch, TP Phú Quốc, Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cùng các doanh nghiệp ngành hàng không, du lịch, dịch vụ, lữ hành...
Theo ông Trần Xuân Toàn, ủy viên Ban biên tập báo Tuổi Trẻ, hiện nhiều quốc gia trên thế giới đã có những giải pháp để mở cửa du lịch. Việt Nam cũng đang triển khai tiêm vắc xin đến trên 3.000 người. Đó là cơ sở để Việt Nam bắt đầu nghiên cứu lộ trình mở cửa với khách du lịch quốc tế với "hộ chiếu vắc xin". Đây có thể là giải pháp để thu hút khách nước ngoài vào Việt Nam, giúp ngành du lịch vượt khó khăn vì du khách có thể đến mà không phải cách ly.
Nêu lý do tại hội thảo được tổ chức tại TP Phú Quốc, ông Xuân Toàn cho biết thế giới có Indonesia đã chọn Bali để nghiên cứu mô hình mở cửa đón khách quốc tế, Thái Lan đã chọn Phuket để có thể hồi phục ngành du lịch vào tháng 7 tới đây.
Đảo ngọc Phú Quốc vì thế cũng mở ra những gợi mở cho quá trình mở cửa đón khách của Việt Nam với "hộ chiếu vắc xin".
Theo Công ty Tư vấn Quản lý Toàn Cầu McKinsey & Company, dù đã tạo được những "luồng gió mát" nhờ du lịch trong nước, Việt Nam vẫn sẽ phải phụ thuộc vào các thị trường quốc tế, với tổng mức chi tiêu lên đến 12 tỷ USD. Thế nhưng mở cửa bầu trời hay đón khách du lịch quốc tế cần được thực hiện như thế nào để đảm bảo vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế? Chúng ta có thể học được gì các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia?
Ông Nguyễn Quý Phương, vụ trưởng Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch, cho biết việc áp dụng "hộ chiếu vắc xin" cũng như sự hợp tác giữa các nước sẽ tạo thuận lợi cho đi lại công dân, giúp hồi phục kinh tế và chủ trương này đang nhận được sự đồng thuận lớn.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, yêu cầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu các một số biện pháp kiểm soát để mở lại hoạt động du lịch quốc tế trong bối cảnh dịch bệnh.
"Doanh nghiệp du lịch luôn cần khách. Thời gian qua, tổng cục đã có nhiều chương trình để khuyến khích du khách nội địa lên đường, chúng tôi cũng vừa gửi đề xuất lộ trình, phương án mở lại thị trường quốc tế trong dịch bệnh lên chính phủ", ông Phương cho biết.
Một ví dụ "hộ chiếu vắc xin" bản giấy của Thái Lan được tham khảo tạo hội thảo - Ảnh: CHÍ CÔNG
Theo đại diện Tổng cục Du lịch, mỗi quốc gia có phương án mở cửa khác nhau dựa theo đặc thù hạ tầng, điều kiện sẵn có. Ở Việt Nam, lộ trình mở cửa sẽ theo cách thức thí điểm từng bước, không mở cửa ồ ạt. Việc mở cửa cũng sẽ được chọn loại hình du lịch, ưu tiên du lịch ít tiếp xúc.
Hiện nay, Tổng cục đã nhận được đề xuất từ đại sứ Hàn Quốc về mô hình tour du lịch cách ly kết hợp chăm sóc sức khỏe, chơi golf.
Ngoài ra, quá trình mở cửa cũng sẽ lựa chọn doanh nghiệp tham gia có tiềm lực, đủ năng lực thực hiện quy trình an toàn và xử lý khi có sự cố. Ngoài ra, phải có đồng thuận với địa phương, chuẩn bị cơ sở hạ tầng - phối hợp với Bộ Y tế để triển khai thẻ thông hành (travel pass).
Đại diện Tổng cục Du lịch cũng cho rằng nhiều người nghe nói "hộ chiếu vắcxin" sẽ nghĩ ngay họ phải thêm thủ tục. Tuy nhiên, cần hiểu "hộ chiếu vắc xin" là thẻ thông hành, để quản lý quản lý sức khoẻ của người xuất nhập cảnh, đủ kiện để du khách chứng minh đảm bảo sức khoẻ, không mang mầm bệnh lây nhiễm.
Chứng chỉ kháng thể mới không cần cách ly
TS.BS Phạm Quang Thái, phó trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho rằng vắc xin được kỳ vọng tạo miễn dịch bền vững. Hiện trên thế giới đã có 4 loại vắc xin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thừa nhận, và khoảng 40 loại được các quốc gia phê duyệt.
Nhưng thực tế tiêm vắc xin chỉ để ngăn bệnh nặng. Cần phải có chứng chỉ về kháng thể, xác nhận đã được bảo vệ thì mới có thể đủ an toàn để không mang nguồn bệnh.
TS.BS Phạm Quang Thái - Ảnh: CHÍ CÔNG
"Cùng với chứng chỉ đã tiêm vắc xin, chứng chỉ về kháng thể mới đủ điều kiện nhập cảnh không cần cách ly", TS.BS Phạm Quang Thái, đề xuất.
Ông Phan Văn Nghiệp, phó chủ tịch UBND TP.Phú Quốc, cho biết mới đây địa phương nhận được đề nghị từ Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ về việc có sẵn sàng đón khách nhà giàu từ Ấn Độ hay không. Hiện khách nhà giàu Ấn Độ rất bức bối, họ muốn đi du lịch và chọn điểm đến Phú Quốc, đó là nhu cầu rất thực tế.
"Chúng tôi sẵn sàng đón khách, nhưng chưa hình dung sẽ thực hiện như thế nào. Dù theo cách thức nào, các tour du lịch quốc tế sẽ được tổ chức theo cách thức khép kín. Việc mở cửa cũng sẽ đặt câu hỏi Khách du lịch đến sẽ sử dụng dịch vụ gì, khép kín như thế nào.
Hiện Phú Quốc đang đón khoảng 18.000 lượt khách nội địa mỗi ngày. Việc đón khách quốc tế cũng cần tính toán đến làm sao đảm bảo an toàn của du khách trong nước", ông Nghiệp bày tỏ.
Bà Quảng Xuân Lụa - phó giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang - cho biết ngành du lịch Kiên Giang đang thực hiện nghiêm túc vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế, trong đó có cả phương án đón khách quốc tế khi được phép.
"Bên cạnh mở cửa bầu trời, du lịch tàu biển cũng là loại hình có thể phù hợp, các cơ sở lưu trú đóng vai trò quan trọng trong sự chuẩn bị đón khách quốc tế", bà Lụa nói.
Ông Soo-Youn Cho, giám đốc điều hành GAON travel, cho biết nhu cầu của người Hàn Quốc du lịch đến Việt Nam hiện rất lớn. "Chúng tôi vẫn đang duy trì mỗi tuần một chuyến bay từ Hàn Quốc đến Việt Nam cho các chuyên gia, cũng như vận chuyển hàng hóa. Nếu Việt Nam có một lộ trình mở cửa bầu trời, chắc chắn khách Hàn Quốc đến Phú Quốc sẽ tăng nhanh", ông Soo-Youn Cho nói và cho biết Việt Nam cần phải xem xét hình thức du lịch phù hợp sau dịch.
Trước đây, người Hàn Quốc muốn du lịch ngắn hạn khoảng 3 ngày. Tuy nhiên, các tour du lịch sẽ phải kéo dài ngày hơn, sẽ có các đoàn khách lớn và đoàn khách mang tính riêng tư cao, đến các khu nghỉ dưỡng của Việt Nam để chơi golf, tập trung nghỉ dưỡng hơn là khám phá.