Kỹ thuật mới giúp phát hiện một trong những hố đen lớn nhất từ trước đến nay

1 năm trước 109
Chú thích ảnhẢnh minh hoạ: NASA

Theo nghiên cứu công bố ngày 28/3 trên tạp chí của Royal Astronomical Society, hố đen mới được phát hiện có khối lượng gấp 30 tỷ lần khối lượng Mặt Trời và cách Trái Đất khoảng 2 tỷ năm ánh sáng.

Đây là 1 trong 4 hố đen lớn nhất từng quan sát được và là hố đen đầu tiên quan sát được bằng kỹ thuật thấu kính hấp dẫn, trong đó ánh sáng truyền về từ một thiên hà xa xôi được khuếch đại và hướng vào bên trong, đại diện cho hình ảnh một hố đen khổng lồ.

Tác giả chính của nghiên cứu - nhà thiên văn học tại Đại học Durham (Anh), ông James Nightingale, miêu tả quá trình này “tương tự như chiếu ánh sáng qua đáy ly rượu” và sẽ cho phép các nhà thiên văn học khám phá các hố đen trong 99% thiên hà khác hiện chưa thể tiếp cận được.

Trong phát hiện mới nhất này, các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng những mô phỏng máy tính và hình ảnh từ Kính viễn vọng không gian Hubble để xác nhận các kết quả mà họ tìm được, cũng như loại bỏ các yếu tố có thể khiến kết quả sai lệch như sự tập trung quá mức các vật chất tối.

Ông Nightingale cho rằng kích thước khổng lồ nêu trên phù hợp với những ước tính về một hố đen ở trung tâm dải thiên hà chủ. Đây cũng có thể là hố đen lớn nhất từng được ghi nhận nhưng điều này khó có thể khẳng định chắc chắn do sự khác nhau giữa các kỹ thuật phát hiện và những điều còn chưa chắc chắn có liên quan. 

Theo nhà nghiên cứu Nightingale, cảnh quan vũ trụ cũng sắp có những thay đổi đáng kể. Cơ quan Vũ trụ châu  Âu dự kiến sẽ triển khai sứ mệnh kính viễn vọng không gian Euclid vào tháng 7/2023, được kỳ vọng sẽ mở ra “kỷ nguyên dữ liệu lớn” nhờ tạo ra một bản đồ vũ trụ khổng lồ có độ phân giải cao. Ông Nightingale hy vọng trong 6 năm tới, Euclid có thể giúp khám phá ra hàng nghìn hố đen vẫn  còn ẩn giấu.

Nguồn bài viết