Tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, với tinh thần chủ động, đồng hành và trách nhiệm cao, HĐND Thành phố đã tổ chức 3 Kỳ họp chuyên đề để xem xét, quyết nghị về một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.
Kỳ họp dự kiến tổ chức trong 3,5 ngày, trong đó dành thời gian gần 1 ngày cho phiên thảo luận tại tổ và tại Hội trường về nhiều nội dung quan trọng liên quan đến kinh tế - xã hội, đầu tư công...; dành 1 ngày cho hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn.
Kỳ họp sẽ xem xét, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2022.
Theo Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, bên cạnh những kết quả đạt được còn một số tồn tại, hạn chế: Tiến độ triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn chậm, chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều khó khăn, vướng mắc...
Vì vậy, HĐND Thành phố dành nhiều thời gian để các đại biểu thảo luận tại tổ và tại hội trường về những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, tồn tại và đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, sát với yêu cầu thực tiễn của Thành phố.
Tại Kỳ họp này, HĐND TP Hà Nội cũng xem xét, thảo luận và thông qua 16 báo cáo, 1 nghị quyết thường kỳ và 14 nghị quyết chuyên đề, trong đó nhiều nội dung rất quan trọng cần tập trung nghiên cứu, trao đổi, thảo luận.
Về hoạt động giám sát của HĐND Thành phố, ngoài xem xét các báo cáo thường kỳ, HĐND Thành phố sẽ tiến hành hoạt động chất vấn, tái chất vấn, dự kiến về 2 nhóm vấn đề: Tái chất vấn về việc thúc đẩy thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn Thành phố; chất vấn về công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ nhà, đất thuộc quản lý Nhà nước trên địa bàn Thành phố.
Theo ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2022 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng, năm bản lề tạo nền tảng thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII và 10 Chương trình công tác toàn khoá của Thành uỷ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021- 2025, kế hoạch tài chính 5 năm 2021-2025 và các cơ chế chính sách đặc thù trung ương cho phép thực hiện thí điểm trên địa bàn Thành phố…
Thành phố đã trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 “về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; trong đó đề ra 4 quan điểm, 2 mục tiêu và 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp Thành phố Hà Nội cần tập trung triển khai thực hiện.
Đây là cơ sở pháp lý, điều kiện quan trọng để tạo động lực phát triển Thủ đô từ nay đến năm 2030 và 2045, với định hướng lớn: Thủ đô Hà Nội là Thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Đồng thời, đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô, với các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô trong giai đoạn mới; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vừa qua, Quốc hội thông qua và ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội với tỷ lệ thống nhất rất cao (95,18%). Đây là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và rất cấp bách, tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng...
Theo ông Đinh Tiến Dũng, HĐND Thành phố lần này đã lựa chọn đúng những vấn đề quan trọng, bức xúc, được đông đảo cử tri, dư luận quan tâm để ban hành nghị quyết và giám sát việc thực hiện; nâng cao chất lượng hoạt động, tiếp xúc cử tri, lắng nghe và phản ánh đầy đủ ý kiến, tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của cử tri; thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình khi được cử tri và nhân dân tín nhiệm.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế lâu nay chưa được khắc phục triệt để, như: ùn tắc giảo thông, úng ngập, ô nhiễm môi trường, nước thải, công tác thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu bền vững, một số khu vực nông thôn còn chưa được thu gom và xử lý triệt để, việc triển khai xây dựng các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, cụm công nghiệp, làng nghề chậm tiến độ; tình trạng vi phạm quản lý đất đai, quy hoạch, xây dựng; việc quản lý các công trình nhà cổ, biệt thự cũ và công trình kiến trúc có giá trị tại khu vực nội đô lịch sử, công tác quản lý tài sản công trên địa bàn còn nhiều bất cập; Việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất, nhất là các cơ sở nhà, đất của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp do Trung ương và địa phương khác quản lý trên địa bàn Thủ đô vẫn còn chậm…
Từ đó, lãnh đạo TP Hà Nội đề nghị các vị đại biểu HĐND TP tập trung thảo luận, phân tích thấu đáo, chỉ rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp hữu hiệu, đồng bộ trong chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện, nhằm phát huy mọi nguồn lực của Thành phố, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch của 6 tháng còn lại và cả năm 2022.