Trước tình hình mưa lũ bất thường kéo dài từ ngày 31/3 đến nay, trên địa bàn huyện Hải Lăng nhiều diện tích lúa đang kỳ trổ bông, hoa màu có nguy cơ mất trắng. Đoàn đã có mặt tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng để kiểm tra tình hình ngập lụt và công tác tiêu úng trên địa bàn.
Tại đây, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã báo cáo tình hình thiệt hại do mưa lũ trên địa bàn. Để khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ, địa phương đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan xây dựng phương án, đề xuất các giải pháp kỹ thuật nhằm khắc phục diện tích sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2021-2022 bị ngập úng, rạp đổ để hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân.
Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động lực lượng, phương tiện, vật tư, trang thiết bị để triển khai gia cố, đắp cao bờ đê bao ngăn lũ nhằm bảo vệ tối đa các diện tích gieo trồng chưa bị ngập. Đồng thời, tiến hành hàn gắn, khắc phục tạm thời các tuyến kênh mương nội đồng bị hư hỏng để bảo vệ và phục hồi sản xuất vụ mùa sắp tới.
Trước mắt, tỉnh đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ về giống cây trồng vật nuôi để phục hồi sản xuất và bố trí kinh phí khắc phục khẩn cấp hậu quả mưa lũ cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu về thủy lợi, giao thông… bị hư hỏng trong đợt mưa lũ từ 31/3-2/4. Về lâu dài, tỉnh mong muốn Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí giúp tỉnh khắc phục cơ sở hạ tầng bị thiệt hại trong các đợt thiên tai, cũng như có các phương án, kịch bản ứng phó với các diễn biến thời tiết cực đoan, dị thường và có tính lịch sử.
Tại chuyến kiểm tra, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài nhấn mạnh: Diễn biến thất thường của thời tiết lần này đã gây thiệt hại lớn cho miền Trung, để khắc phục những thiệt hại này, trước mắt tỉnh Quảng Trị cần lưu ý những khu vực đồng ruộng còn có thể bảo vệ được thì thực hiện bơm tiêu, chăm sóc cây trồng ngay sau khi nước rút; đồng thời cần có những chính sách hỗ trợ kịp thời đối với người dân vùng ngập lụt, giúp bà con sớm vượt qua khó khăn ổn định cuộc sống trước mắt.
Phía Tổng cục đang tính toán phương án mời các nhà khoa học, chuyên gia đồng hành cùng các tỉnh miền Trung để nghiên cứu giải pháp hỗ trợ vùng ngập lụt; đồng thời đưa ra phương án chuyển đổi mùa vụ và giống cây trồng hợp lý với thời tiết, xây dựng các công trình tưới tiêu, cắt lũ, hạ tầng giao thông... thích ứng với giai đoạn biến đổi khí hậu hiện nay. Mặt khác đưa ra những giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương một cách bền vững, lâu dài.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, mưa lớn kéo dài trên diện rộng, đặc biệt là khu vực phía Nam của tỉnh. Tổng lượng mưa phổ biến 160-380 mm, có nơi trên 400 mm, như tại xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng là 471,6 mm; tại xã Tà Long, huyện Đakrông là 450,4 mm. Thiệt hại do mưa lũ gây ra đã khiến gần 10.500 ha lúa và hơn 3.000 ha hoa màu bị gãy đổ, ngập úng. Trong đó, huyện Hải Lăng là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất với 6.370 ha lúa bị ngập; 200 ha thủy hải sản bị thiệt hại; có hơn 808 hộ bị ngập nước từ 0,1-0,3m tại các xã Hải Lâm, Hải Thượng - huyện Hải Lăng. Đây là đợt mưa lũ cực đoan, dị thường và có tính lịch sử, gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân…