Khuyến khích doanh nghiệp chung tay xây dựng Qũy vaccine phòng COVID-19

3 năm trước 309
Chú thích ảnhViệt Nam dự kiến mua 150 triệu liều vaccine phòng COVID-19 để tiêm phòng cho khoảng 75 triệu người. Ảnh: TTXVN

Sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Nghị quyết 53/NQ-CP thông qua chủ trương thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã ký ban hành Quyết định 779/QĐ-TTg thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19.

Nguồn thu của Quỹ bao gồm các khoản tài trợ, hỗ trợ, đóng góp tự nguyện bằng tiền, vaccine, các loại hình vật chất khác của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; các nguồn vốn hợp pháp khác... Bộ Tài chính quản lý và điều phối các nguồn lực tài chính, hiện vật của Quỹ để tài trợ, hỗ trợ cho hoạt động mua, nhập khẩu vaccine, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước và sử dụng vaccine phòng COVID-19.

Kinh phí hoạt động của bộ máy quản lý Quỹ do ngân sách nhà nước chi trả, không sử dụng từ nguồn thu của Quỹ. Nhân dân cả nước hết sức đồng tình việc Chính phủ quy định chặt chẽ việc sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả. Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, sử dụng vốn đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.

Quỹ chịu sự kiểm tra, thanh tra, kiểm toán về các hoạt động tài chính của Quỹ của các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và Kiểm toán nhà nước; giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cộng đồng. Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, Chính phủ đã rất đúng đắn khi quyết định lập Quỹ vaccine phòng COVID-19 có sự phối hợp công - tư để lo vaccine cho toàn dân. Tuy nhiên, với chi phí lớn như vậy, ngân sách Nhà nước khó có thể cáng đáng toàn bộ nên các doanh nghiệp có điều kiện cần sẵn sàng chung tay đóng góp.

Chính phủ đã có bước đi quan trọng trong chiến lược vaccine nhằm tiến tới tiêm chủng cho toàn dân. Đây là hướng đi đúng đắn.  Trước những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 ở trong nước, nhất là địa bàn 2 tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh dịch đã lây lan trong các khu công nghiệp, sự vào cuộc của các doanh nghiệp hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ rất tích cực.

Nhiều đơn vị sẵn sàng ủng hộ quỹ vaccine, như ngành Ngân hàng, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sovico Group và HDBank đã hỗ trợ 160 tỷ đồng và 4 triệu liều vaccine phòng COVID-19; hay Tập đoàn Hòa Phát cũng đã trao số tiền ủng hộ 50 tỉ đồng; tập đoàn tài chính MB (MB Group) trao số tiền ủng hộ 30 tỉ đồng vào Quỹ mua vaccine phòng COVID-19. Về lâu dài, rất cần có cơ chế khuyến khích sự phối hợp của các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ, ủng hỗ QUỹ vaccine phòng COVID-19.

Thiết nghĩ, về phía các cơ quan quản lý, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp, chẳng hạn có thể có một số hình thức ưu tiên sử dụng vaccine ở mức độ hợp lý hay ưu đãi tính chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp…

Lãnh đạo các doanh nghiệp đều đồng tình song song với mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế thì sức khỏe con người vẫn là ưu tiến số một. Trên cơ sở chống dịch tốt mới duy trì được sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh an toàn, lấy lại đà tăng trưởng. Chính phủ đang rất nỗ lực để vừa chống dịch, vừa có các biện pháp trợ lực doanh nghiệp vượt khó trong cơn bão COVID-19. Chính phủ đã đi đúng hướng với việc nỗ lực triển khai chiến lược vaccine để mở rộng việc tiêm chủng, bảo đảm an toàn cho hoạt động sản xuất kinh doanh thì thì kinh tế mới có cơ hội tăng trưởng.

Ngay trong sáng 27/5, phát biểu tại Lễ phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19 theo hình thức trực tuyến trong toàn quốc nhằm vận động các cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước tiếp tục chung tay cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: “Cần đề cao chiến lược 5K + vaccine, thần tốc xét nghiệm, tiêm vaccine cho nhân dân, bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho  các cơ sở y tế, khu công nghiệp, khu dân cư. Triển khai nhanh, hiệu quả và an toàn chiến lược tiêm vaccine. Đây là kế hoạch có ý nghĩa chiến lược, quyết định rất lớn đến thành quả chống dịch, đưa xã hội trở lại nhịp sống bình thường và thực hiện thắng lợi mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế”.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, kể từ ngày 27/4 đến nay, nhằm chia sẻ khó khăn với các lực lượng tuyến đầu chống dịch và các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã kịp thời ủng hộ kinh phí hỗ trợ cho các lực lượng tuyến đầu và các địa phương.

Cụ thể, ở Trung ương, từ ngày 27/4 đến ngày 26/5, Ban Cứu trợ Trung ương tiếp nhận 50,4 tỷ đồng; Bộ Y tế tiếp nhận trực tiếp 988 tỷ đồng. Ở các địa phương, theo thống kê ban đầu của 19 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, tỉnh An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Đà Nẵng, Điện Biên, Đắk Nông, Hà Nam, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc tiếp nhận hơn 242 tỷ đồng. Tổng số tiền từ ngày 27/4 đến ngày 26/5 tiếp nhận qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Y tế và Ủy ban MTTQ Việt Nam 19 tỉnh, thành phố là gần 1.300 tỷ đồng.

Trân trọng ghi nhận và tri ân nghĩa cử cao đẹp của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đã ủng hộ, bà Trương Thị Ngọc Ánh đề nghị các bộ, ngành, địa phương nhận được sự ủng hộ của các tập đoàn, doanh nghiệp cần triển khai đúng mục đích, công khai, minh bạch nguồn ủng hộ này.

Chú thích ảnh
Nguồn bài viết