Ngày 4/3/1959, Ủy ban Khoa học Nhà nước, tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ ngày nay, chính thức được thành lập theo Sắc lệnh số 016-SL của Chủ tịch Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để "thực hiện chức năng giúp Chính phủ xây dựng và lãnh đạo công tác khoa học về mọi mặt, nhằm phục vụ sự nghiệp kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân, phục vụ sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà và sự nghiệp hòa bình, hữu nghị giữa các dân tộc".
Cách đây 58 năm, ngày 18/5/1963, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội phổ biến Khoa học Kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân, bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi…". Lời căn dặn của Người cũng chính là mục tiêu, sứ mệnh và là kim chỉ nam mà Đảng và Nhà nước ta đặt ra đối với ngành khoa học và công nghệ.
Tại Ðại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện trên mọi lĩnh vực, trọng tâm trước mắt là đổi mới chính sách kinh tế, giữ vững ổn định chính trị là tiền đề bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới. Khoa học và công nghệ nước nhà đã đổi mới cách nghĩ, cách làm để hòa nhập với đổi mới chung của Đất nước.
Hiện nay, xu hướng phát triển toàn cầu đang chỉ ra rằng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ khẳng định được vị thế của một quốc gia trên toàn thế giới. Đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với những người làm khoa học Việt Nam. Những năm gần đây, Việt Nam liên tục tăng vượt bậc trong bảng xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Chặng đường từ ngày thành lập năm 1959 đến trước đổi mới
Ngay từ những năm đầu thành lập, Ủy ban Khoa học Nhà nước đã trình Hội đồng Chính phủ ban hành các Chỉ thị về tổ chức và phát triển phong trào cải tiến kỹ thuật, phát minh, sáng kiến của quần chúng và Điều lệ Khen thưởng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất. Nỗ lực này đã góp phần thúc đẩy hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong toàn dân. Chính giai đoạn này đã xuất hiện cánh đồng 5 tấn, 10 tấn giúp không chỉ bảo đảm lương thực cho người dân miền Bắc mà còn đảm bảo chi viện cho quân dân miền Nam đánh giặc.
Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực y dược đã phục vụ kịp thời việc chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân và các chiến sĩ trên chiến trường. Bên cạnh đó, nhiều công trình, đề tài khoa học quan trọng đã được ứng dụng vào thực tiễn phục vụ xây dựng và bảo vệ miền Bắc gắn với tên tuổi của nhiều nhà khoa học lớn của đất nước như: Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ… Sự cống hiến xuất của họ xuất phát từ lòng yêu nước, từ sự trọng dụng nhân tài của Đảng, Nhà nước ta.
Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, dân tộc Việt Nam bước vào giai đoạn lịch sử mới “Cả nước độc lập thống nhất và làm nhiệm vụ chiến lược duy nhất là tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa”. Tư tưởng chủ đạo của giai đoạn từ sau ngày đất nước thống nhất đến trước thời kỳ đổi mới năm 1986 là cả nước tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng: Cách mạng về quan hệ sản xuất, Cách mạng khoa học - kỹ thuật, Cách mạng tư tưởng văn hóa, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt.
Thành tựu khoa học và công nghệ nổi bật thời kì này là trong lĩnh vực nông nghiệp, khi đưa năng suất lúa lên 28,5 tạ/ha/vụ và tổng sản lượng lương thực lên đến 18,2 triệu tấn/năm; trong y dược đã giải quyết có hiệu quả các bệnh sốt rét và sốt xuất huyết; đồng thời, áp dụng thành công một số kĩ thuật hiện đại như vi phẫu thuật, ghép giác mạc; đã bào chế được nhiều loại thuốc từ nguyên liệu trong nước... Trong lĩnh vực công nghiệp đã thiết kế chế tạo được một số dây chuyền sản xuất công nghiệp; áp dụng có kết quả nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong thi công các công trình lớn như: Nhiệt điện Phả Lại, Thủy điện Hòa Bình, Cầu Chương Dương...
Đồng hành cùng sự đổi mới và hội nhập đất nước
Trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay, khoa học và công nghệ luôn chú trọng việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ với nhiều đạo luật chuyên ngành và nhiều văn bản cấp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và cấp Bộ với mục tiêu tạo hành lang pháp lý đồng bộ và thuận lợi để thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt cho biết: Giai đoạn này, nghiên cứu cơ bản đã góp phần tăng cường tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Khoa học xã hội và nhân văn cung cấp cơ sở khoa học và luận cứ cho việc hoạch định, xây dựng các chủ trương, đường lối lớn của Đảng, Nhà nước và xây dựng các Văn kiện Đại hội Đảng; khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển và xây dựng đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam. Đặc biệt, số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng nhanh.
Đáng chú ý, nguồn lực và nhân lực khoa học và công nghệ tăng nhanh, sau 60 năm hình thành và phát triển, đến nay, cả nước có hơn 173.000 cán bộ tham gia hoạt động nghiên cứu và phát triển. Nếu 60 năm trước, cả miền Bắc chỉ có 8 viện nghiên cứu, 6 trường đại học, một số trường trung học chuyên nghiệp, nay cả nước đã có hơn 4.000 tổ chức đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ thuộc mọi thành phần kinh tế. Đặc biệt, là 3 khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD với nhiều tập đoàn lớn, công ty công nghệ hàng đầu thế giới như: Samsung, Intel, Nidec...
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và phát triển thị trường công nghệ được triển khai thường xuyên dưới nhiều hình thức, các sự kiện kết nối cung - cầu công nghệ, chợ thiết bị và công nghệ… được tổ chức thường xuyên. Chính sách quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng hướng mạnh tới việc thúc đẩy hoạt động phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ, hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất - kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Hoạt động khoa học và công nghệ đã chú trọng đến thúc đẩy sự hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, phát triển các công nghệ mới.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh: Giai đoạn từ năm 1986 đến nay, trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học và công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giao thông và xây dựng nhiều công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ đã được áp dụng thành công, tiêu biểu như: Thiết kế, chế tạo giàn khoan tự nâng độ sâu 120 mét nước, làm chủ công nghệ tiên tiến trong xây nhà cao tầng, công nghệ xây dựng cầu theo phương pháp đúc hẫng, cầu dây văng, đường cao tốc, ga hàng không, bến cảng... Trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng và công nghệ thông tin - truyền thông, khoa học và công nghệ đã được ứng dụng mạnh mẽ, góp phần đa dạng hoá các sản phẩm dịch vụ ngân hàng, bắt kịp trình độ hiện đại của thế giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực y tế, kỹ thuật ghép tạng, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, y học hạt nhân, công nghệ tế bào gốc, an toàn truyền máu, hồi sức cấp cứu, vắc xin và sinh phẩm đã đạt ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.
Khát vọng tương lai
Giai đoạn tới, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo sẽ khẳng định được vị thế của một quốc gia trên toàn thế giới, đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội đối với những người làm khoa học Việt Nam. Nhìn lại chặng đường vừa qua, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế - xã hội. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động nâng lên rõ rệt. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng tăng từ 33,6% giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%); Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu – GII tăng 17 bậc trong giai đoạn 2016 – 2020, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, đứng đầu trong số các quốc gia ở mức thu nhập trung bình thấp.
Niềm vinh dự và tự hào này sẽ tiếp thêm động lực và niềm tin cho lực lượng khoa học và công nghệ Việt Nam trong thời đại mới, quyết tâm đoàn kết nỗ lực để nhân lên gấp bội tiềm năng và nguồn lực trí tuệ Việt Nam, đưa khoa học và công nghệ phát triển lên một tầm cao mới, đóng góp ngày càng to lớn cho sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững đất nước, xứng đáng với kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định: Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ luôn sát cánh cùng các thế hệ cán bộ khoa học và công nghệ Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, đoàn kết, sáng tạo, phát huy trí tuệ và tư duy tiến bộ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để đưa nền khoa học và công nghệ nước nhà đạt được các thành tựu to lớn, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần tạo nên thế và lực mới vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong bối cảnh mới, Đảng, Nhà nước đã nâng tầm vai trò của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng coi phát triển nhanh, bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là 1 trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất. Đồng thời yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.
Năm 2021 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Bằng sự quyết tâm, đoàn kết thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, địa phương, ngành khoa học và công nghệ sẽ tiếp tục giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra, tham gia phát triển các ngành, lĩnh vực, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.