Ia Kênh thay áo mới

1 năm trước 93

Chú thích ảnh

Nhiều năm qua, để giúp người dân xã Ia Kênh vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới, chính quyền và nhân dân xã đã tập trung các giải pháp giảm nghèo và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Vì là xã thuần nông, chính quyền địa phương đã tập trung quan tâm hướng dẫn người dân chuyển đổi diện tích cây trồng, giải ngân kinh phí tổ chức nạo vét hệ thống dẫn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất. Đồng thời, phối hợp cùng các ban, ngành của thành phố triển khai chương trình khuyến nông cho 80 hộ tham gia, với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng. Với sự đầu tư, hỗ trợ của chính quyền các cấp và sự nỗ lực của địa phương, đời sống các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 41 triệu đồng/năm.

Chị Rahlan Kem- Làng Thong Yó, xã Ia Kênh, TP. Pleiku chia sẻ: "Thời gian qua, được sự quan tâm của địa phương, bộ mặt ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số đã được thay đổi rất nhiều, bà con có nhà ở, có phương tiện nghe nhìn, phương tiện đi lại, có hệ thống điện đường trường trạm. Bên cạnh đó xã đã tổ chức các hoạt động thăm hỏi bà con hộ nghèo nhân các dịp lễ tết, tổ chức 1/6, tết trung thu cho các cháu thiếu nhi. Và xã cũng đã hỗ trợ tôi sinh kế là máy phát cỏ và máy phun thuốc để tham gia lao động sản xuất".

Xã Ia Kênh có 7 thôn, làng, với 953 hộ, 4.283 khẩu, trong đó, người dân tộc thiểu số chiếm 81,4%. Là xã thuần nông, người dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp với những cây trồng chính như 1.137 ha cà phê, 440 ha lúa nước, 23 ha mía, 39 ha cây ăn quả, 25 ha hồ tiêu và một số cây trồng ngắn ngày khác. Ngoài ra, người dân còn phát triển chăn nuôi với khoảng 1.200 con bò, gần 200 con dê, hơn 8.400 con heo và hơn 47 ngàn con gia cầm. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích, người dân Ia Kênh đã mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây mía tím, cây ăn quả…

Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền địa phương, Mặt trận, các hội, đoàn thể tích cực triển khai cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đồng thời, hỗ trợ phân bón, cây giống, con giống và hướng dẫn cho các hộ nghèo kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc để phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh

Ông Lê Quang Toản- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kênh chia sẻ: Hiện nay, xã Ia Kênh còn 46 hộ nghèo (chiếm 4,7%), 47 hộ cận nghèo (chiếm 4,8%). Để thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững, chính quyền địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, làng; tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn vay cũng như các chương trình hỗ trợ để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng về công tác dân tộc, thành phố đã tập trung chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội các xã vùng ven; Chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai thực hiện lồng ghép các nguồn vốn Trung ương, các Chương trình mục tiêu quốc gia kết hợp với ngân sách địa phương triển khai các chương trình, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững cho bà con.

Hiện nay, 100% số xã trên địa bàn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện trên 98%; Dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 96%; tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông hóa đạt trên 100%; 100% người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế.

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố đã triển khai Chương trình này với 5 Dự án tổng số vốn được cấp gần 8,3 tỷ đồng để mở 2 lớp trồng rau an toàn ở phường Chi Lăng, 1 lớp trình diễn cồng chiêng tại xã Biển Hồ, 1 lớp nghiệp vụ du lịch cộng đồng tại xã Chư Ă.

Đồng thời, Mặt trận các cấp ở thành phố đã vận động ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 5 tỷ đồng, tạo nguồn lực lớn để xây dựng và sửa chữa nhà “Đại đoàn kết”, triển khai các hình thức hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, xây dựng mô hình khuyến nông cho 50 hộ nghèo tại các làng dân tộc thiểu số với số tiền trên 2,5 tỷ đồng…từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ bà con thoát nghèo bền vững.

Chú thích ảnh

Bà Phan Thị Thu Trang, Phó Trưởng Phòng Kinh tế Thành phố Pleiku cho biết: Mục tiêu giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình nhằm cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế các hộ tái nghèo. Triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023 của UBND thành phố và Quyết định số 1063/QĐ-UBND của UBND thành phố về phân bổ vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo năm 2023, phòng Kinh tế đã tiến hành làm việc, hướng dẫn UBND các xã đăng ký thực hiện Dự án Đa dạng sinh kế phát triển các mô hình giảm nghèo năm 2023 và kế hoạch năm 2024. Hiện nay, các xã đang tập trung rà soát để tổ chức đăng ký nhằm đảm bảo đúng đối tượng và hiệu quả kinh tế trong việc triển khai thực hiện chương trình.

Có thể thấy, các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số ở thành phố Pleiku đã mang lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ý thức vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số cũng ngày càng phát triển theo chiều hướng tích cực. Với tinh thần chịu khó, cần cù trong lao động sản xuất được bà con phát huy đã tạo ra diện mạo mới ở các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Nguồn bài viết