Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đánh giá, Hội thảo đã tập trung phân tích 3 nhóm vấn đề chính gồm trước khi sạt lở, khi sạt lở và sau khi xảy ra sạt lở đất. Trên cơ sở đó đề ra các nhóm giải pháp tương ứng.
Cụ thể, với phương châm phòng là chính, các địa phương cần tập trung quyết liệt hơn vào công tác tuyên truyền, dự báo, cảnh báo để người dân chủ động phòng và giảm nhẹ rủi ro trước khi sạt lở đất xảy ra. Khi xảy ra sạt lở đất bờ sông, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai cấp huyện, xã cần nhanh chóng bố trí khắc phục tạm thời, cắm biển cảnh báo, thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân; sau đó, tập trung khắc phục sau sạt lở.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết thêm, thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm khảo sát, đánh giá và có biện pháp phù hợp với tình hình sạt lở ở tỉnh Hậu Giang; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu triển khai các biện pháp công trình và phi công trình phù hợp với từng địa phương.
Ông Đặng Văn Dũng, người dân xã Phú Hữu, huyện Châu Thành đề xuất cơ quan chức năng nghiên cứu áp dụng nhiều giải pháp để giảm thiểu tình trạng sạt lở đất bờ sông ở huyện Châu Thành.Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ năm 2010 đến nay, Hậu Giang có 468 điểm sạt lở đất bờ sông, chiều dài hơn 10 km, diện tích mất đất trên 61.000 m2.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 62 điểm sạt lở đất bờ sông, chiều dài sạt lở trên 1,5 km, diện tích mất đất trên 9.200 m2; chiều dài sạt lở và diện tích mất năm 2023 cao nhất trong các năm cho thấy sạt lở đất bờ sông ngày càng phức tạp và cần giải quyết gấp.
Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang cho rằng, thời gian tới cần hạn chế xây dựng các tuyến đường ven sông, kênh; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân không xây dựng nhà ở ven sông, ven kênh, làm co hẹp dòng chảy dẫn đến hiện tượng tăng lưu tốc dòng chảy; xem xét giải pháp đầu tư các kè kiên cố tại những khu vực đông dân cư. Tuy nhiên, tùy vào khu vực mà có quy mô kè khác nhau; đối với các tuyến kênh có mái dốc, kênh nhỏ, áp dụng giải pháp dời đê là hiệu quả nhất.
Ngoài ra, kè sinh thái là giải pháp hữu hiệu được áp dụng rộng rãi ở các khu vực ngoài đô thị giúp chống xói mòn đất và tăng tính ổn định bờ sông. Tùy khu vực có biên độ triều, cấp kênh khác nhau mà có phương án kỹ thuật phù hợp để phát huy hiệu quả cao nhất của kè sinh thái.
Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Vân Cơ, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hậu Giang đề xuất UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động bố trí quỹ đất để đầu tư các cụm, tuyến dân, di dời dân cư ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao, ổn định đời sống cho người dân. Cùng với đó là quản lý chặt việc sử dụng đất, xây dựng công trình ven sông, kênh rạch, tránh làm gia tăng tải trọng lên mái bờ kênh.
Các địa phương cần cập nhật thường xuyên hiện trạng sạt lở trên địa bàn và cung cấp thông tin kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; theo dõi, cập nhật đầy đủ các vị trí sạt lở của địa phương tại bản đồ sạt lở trực tuyến.
Tỉnh Hậu Giang có hệ thống sông ngòi phong phú với 27 tuyến kênh cấp 1, tổng chiều dài gần 600 km; 226 tuyến kênh cấp 2, tổng chiều dài trên 1.300 km; 558 tuyến kênh cấp 3, tổng chiều dài trên 1.600 km. Bên cạnh đó, tỉnh còn có hệ thống kênh, mương nội đồng chằng chịt.