Buổi gặp gỡ diễn ra trong không khí công khai, dân chủ và xây dựng. Các ý kiến tập trung vào những khó khăn, bất cập trong thực hiện các chính sách, giải pháp tháo gỡ; kiến nghị, đề xuất chính sách đối với vấn đề khởi nghiệp, việc làm của sinh viên, đoàn viên, thanh niên; tham gia vào các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của chuyên gia, nhà khoa học; thu hút các chuyên gia, nhà khoa học, học sinh, sinh viên giỏi sau khi ra trường về cống hiến cho quê hương; tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, sinh viên trong tỉnh.
Tiếp thu và ủng hộ những ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên tại buổi gặp gỡ, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng đây là những ý kiến quý báu, là cơ sở thực tiễn quan trọng để tỉnh xem xét, bổ sung vào nội dung các chủ trương, chính sách trong giai đoạn tiếp theo.
Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, sau buổi gặp gỡ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, có giải pháp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, hạn chế trong thời gian sớm nhất; có lộ trình cụ thể theo từng nội dung vấn đề, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, nhà khoa học yên tâm lao động, học tập, sinh hoạt, nghiên cứu; có giải pháp để thu hút đội ngũ nhân tài là con em quê hương Hậu Giang về công tác tại tỉnh.
Các sở, ngành, địa phương thường xuyên giữ mối liên hệ, phối hợp, nắm tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, góp ý của học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, chuyên gia, nhà khoa học thông tin kịp thời với lãnh đạo tỉnh để có chỉ đạo giải quyết.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp giám sát việc giải quyết các kiến nghị của học sinh, sinh viên, đoàn viên, thanh niên, chuyên gia, nhà khoa học đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn, thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang sẽ nhận được nhiều đóng góp tâm huyết từ các chuyên gia, nhà khoa học và các bạn trẻ để cùng xây dựng tỉnh ngày càng phát triển bền vững.
Đóng góp ý kiến tại buổi gặp gỡ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cần, Trưởng khoa Phát triển nông thôn, trường Đại học Cần Thơ cho rằng, đòn bẩy cho phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh là phát triển công nghiệp chế biến sâu theo các ngành chủ lực. Do đó, tỉnh có thể rà soát lại các ngành chủ lực và phát triển công nghiệp chế biến đi kèm; gắn việc đào tạo nghề với phát triển nghề, kết nối giữa cơ sở đào tạo với đơn vị sử dụng lao động. Hậu Giang cần đi trước một bước trong đào tạo nghề để đảm bảo đáp ứng ngay nguồn nhân lực khi tỉnh thực hiện chuyển dịch lao động.
Buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh Hậu Giang với học sinh, sinh viên, chuyên gia, nhà khoa học được tổ chức theo Kế hoạch số 14-KH/TU ngày 17/2/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tổ chức gặp gỡ, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền trên địa bàn tỉnh Hậu Giang năm 2021.
Trước khi buổi gặp gỡ diễn ra, Tổ giúp việc 323 Tỉnh ủy đã tiến hành lấy ý kiến trong học sinh, sinh viên, chuyên gia, nhà khoa học thông qua 327 phiếu khảo sát. Trong đó, học sinh, sinh viên đề xuất tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan, giao lưu để trau dồi ngoại ngữ; giảm lượng bài tập, tăng thời gian thực hành; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; có giải pháp thu hút nguồn nhân lực để tạo cơ hội cho sinh viên mới ra trường. Đề xuất của các chuyên gia, nhà khoa học tập trung vào việc tiếp cận chính sách của tỉnh liên quan đến lĩnh vực khoa học, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, nghiên cứu khoa học; phổ biến kết quả các đề tài nghiên cứu cho nông dân áp dụng; xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp lớn; chính sách hạn chế cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Các vấn đề đã được các sở, ban, ngành có liên quan trả lời cụ thể, thông qua báo cáo tổng hợp của Tổ giúp việc 323 Tỉnh ủy tại buổi gặp gỡ.