Hải Dương: Đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

1 năm trước 118
Chú thích ảnh Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng phát biểu tại hội nghị. 

Ngày 6/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã triệu tập Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII để thảo luận và quyết định một số nội dung quan trọng, gồm: kết quả 10 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW, ngày 21/2/2013 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”; kết quả việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030...

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng cho biết, qua 10 năm thực hiện Kết luận số 56-KL/TW của Bộ Chính trị, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Vai trò của kinh tế tập thể, hợp tác xã đối với phát triển kinh tế - xã hội dần được khẳng định, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tập thể, hợp tác xã vào tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ngày một tăng. Thông qua hợp tác xã, các hộ thành viên đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, thu nhập của người lao động cũng như của thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.

Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của tỉnh vẫn chưa phát triển theo yêu cầu đặt ra, còn tồn tại, hạn chế. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng chậm, tỷ lệ đóng góp vào GRDP còn thấp. Hợp tác xã phát triển không đồng đều giữa các địa phương, lĩnh vực. Nhiều hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực cạnh tranh thấp. Hoạt động liên doanh, liên kết giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến, liên hiệp hợp tác xã còn ít...

Trong thời gian tới, để đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, Hải Dương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế tập thể. Tỉnh cũng đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ngành, đoàn thể trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; bố trí ngân sách để hỗ trợ cho khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Hải Dương cũng tiến hành rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã đã ban hành; điều chỉnh, bổ sung các chính sách không còn hợp lý; có chính sách ưu tiên với các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tỉnh tập trung huy động các nguồn lực, bao gồm nguồn vốn thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; xây dựng thí điểm hợp tác xã sản xuất một số chuỗi giá trị hàng hóa chủ lực, có lợi thế; tăng cường kêu gọi, xúc tiến đầu tư, ưu tiên dành nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; phát huy mạnh mẽ vai trò của Liên minh hợp tác xã.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khẳng định, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cần hướng tới tăng trưởng xanh, bền vững, áp dụng công nghệ vào sản xuất và tiêu thụ; xây dựng nhãn hiệu tập thể cho một số sản phẩm chủ lực; hỗ trợ xây dựng, nhân rộng các mô hình hợp tác xã điểm, hợp tác xã kiểu mới theo hướng liên kết theo chuỗi giá trị giữa các hộ nông dân với hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp sản xuất ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích, động viên phong trào xây dựng các hợp tác xã kiểu mới và các liên hiệp hợp tác xã.

Hải Dương sẽ tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tăng cường xuất khẩu và hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ một số hợp tác xã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn, nhất là các sản phẩm đạt chuẩn OCOP tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế và tiến tới xuất khẩu; mở rộng và phát huy vai trò của hợp tác xã trong phát triển mối quan hệ với các tổ chức quốc tế.

Trong thời gian tới, Hải Dương tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện để các hợp tác xã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, hội, hiệp hội; nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của Liên minh hợp tác xã tỉnh trong phát triển kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả các chương trình phối hợp giữa Liên minh hợp tác xã tỉnh với Mặt trận Tổ quốc và các sở, ngành…

Chú thích ảnhQuang cảnh hội nghị. 

Hiện Hải Dương có 509 hợp tác xã, 1 liên minh hợp tác xã với khoảng 203.600 thành viên đang hoạt động, hiệu quả đạt gần 60%; trong đo, chủ yếu là hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Tổng doanh thu của các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh năm 2022 đạt trên 1.100 tỷ đồng; thu nhập bình quân của người lao động thường xuyên làm việc trong hợp tác xã đạt khoảng 5 triệu đồng/người/tháng.

Qua 10 năm thực hiện Kết luận số 56 KL/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về “Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể”, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ trọng đóng góp của kinh tế tập thể, hợp tác xã vào tổng sản phẩm của tỉnh ngày một tăng.

Các hợp tác xã từng bước hoạt động đúng bản chất, hỗ trợ kinh tế hộ thành viên thông qua cung cấp các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là hợp tác xã nông nghiệp. Trình độ quản lý của các cán bộ hợp tác xã được nâng cao, một số hợp tác xã có đội ngũ cán bộ nhạy bén với cơ chế thị trường, mạnh dạn áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Thông qua hợp tác xã, các hộ thành viên đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; thu nhập của người lao động cũng như của thành viên được cải thiện, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Nguồn bài viết