Hải Dương tập trung thúc đẩy kinh tế số, xã hội số

8 tháng trước 34
Chú thích ảnhTỉnh Hải Dương chú trọng đưa sản phẩm OCOP và các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế. Ảnh minh họa: Quang Quyết/TTXVN

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hải Dương cho biết, năm 2023, tỉnh tập trung triển khai đồng bộ hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng trên phạm vi toàn tỉnh với mục tiêu ít nhất 50% thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khu dân cư được tập huấn về kỹ năng số, hỗ trợ tích cực người dân các kỹ năng số cơ bản, nhất là việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, kỹ năng mua bán trên sàn thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt. Theo kế hoạch, trong năm 2023, Sở tổ chức 17 lớp tập huấn cho 2.600 người là thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn, khu dân cư.

Các huyện, thị xã, thành phố triển khai các chương trình tập huấn với những nội dung phù hợp với thực tiễn địa phương. Huyện Thanh Hà tổ chức tập huấn cho 260 thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng huyện; huyện Tứ Kỳ đã triển khai tập huấn cho tất cả các xã; huyện Thanh Miện tổ chức lớp bồi dưỡng cho Tổ Công nghệ số cộng đồng, hộ sản xuất kinh doanh và nhân dân trên địa bàn về kỹ năng số, hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử tại các xã...

Các cơ quan chuyên môn Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với VNPT Hải Dương, Bưu điện tỉnh và Viettel Hải Dương tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho Tổ Công nghệ số cộng đồng cài đặt một số phần mềm, hướng dẫn người dân tạo tài khoản dịch vụ công, tài khoản định danh điện tử, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử.

Từ đầu năm 2023 đến nay, hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng được đẩy mạnh. Huyện Tứ Kỳ đã triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng đối với 100% các xã trên địa bàn huyện. Các Tổ công nghệ số cộng đồng hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và một số kỹ năng số khác. Các địa phương tích cực triển khai các hình thức hỗ trợ khác nhau để người dân sử dụng thành thạo các kỹ năng số trong hoạt động về thủ tục hành chính và trong đời sống. Điển hình là xã Đại Sơn, huyện Tứ Kỳ đã tạo kênh zalo của chính quyền xã để tuyên truyền thông tin nhanh và kịp thời đến toàn bộ người dân trong xã.

Cùng với đẩy mạnh Tổ Công nghệ số cộng đồng, nhiều hoạt động khác cũng được Hải Dương triển khai để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số.

Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh hải Dương năm 2023, phối hợp với các đơn vị của Bộ Công Thương xây dựng kế hoạch đào tạo về ứng dụng thương mại điện tử, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Đồng thời, phối hợp với các địa phương thu thập thông tin doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã, cơ sở sản xuất có nhu cầu đưa sản phẩm OCOP và các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử lớn trong nước và quốc tế; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua các giải pháp thương mại điện tử. Hải Dương đang duy trì các phần mềm như: Bản đồ trực tuyến điểm bán hàng Việt, sàn giao dịch thương mại điện tử, phần mềm quản lý khuyến mại và hỗ trợ doanh nghiệp bán hàng trong thương mại điện tử.

Để thúc đẩy xã hội số, Hải Dương đã tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách sử dụng các dịch vụ số, nhất là dịch vụ công trực tuyến và dịch vụ số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hải Dương, các doanh nghiệp viễn thông VNPT và Viettel Hải Dương triển khai các ki-ốt để cấp chữ ký số miễn phí cho người dân tại phố đi bộ - chợ đêm của thành phố Hải Dương.

Một số nội dung khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cũng được triển khai như: Tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt cho những người hưởng trợ cấp an sinh xã hội; xác thực người dân qua Căn cước công dân gắn chip trong hoạt động nghiệp vụ của một số ngân hàng. Đến nay, Chi nhánh ngân hàng thương mại và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương đã cấp được 3.800 tài khoản an sinh xã hội, mở được trên 2,8 triệu tài khoản thanh toán. Tỷ lệ thanh toán qua mobile banking đạt 66% tổng giá trị giao dịch với trên 11,5 triệu giao dịch; giao dịch qua mạng đạt 69,4%, tăng trên 20% so với năm 2022…

Nguồn bài viết