Hải Dương kết nối tiêu thụ sản phẩm cá lồng

3 năm trước 251
Chú thích ảnhTính đến tháng 9/2021, toàn huyện Nam Sách có 105 hộ nuôi cá lồng với trên 2.800 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá rô phi, diêu hồng, chép giòn, trắm, cá lăng.

Đây là thông tin được chia sẻ tại hội nghị kết nối tiêu thụ cá lồng Nam Sách năm 2021 do Sở Công Thương Hải Dương phối hợp với UBND huyện Nam Sách tổ chức ngày 30/9 tại xã Nam Tân.

Dựa vào lợi thế của sông Kinh Thầy và sông Thái Bình, nghề nuôi cá lồng tại huyện Nam Sách rất phát triển, tập trung các loại cá rô phi, diêu hồng, trắm, chép giòn, cá lăng. Tính đến tháng 9/2021, huyện có 105 hộ nuôi cá lồng với 2.822 lồng cá tại 9 xã: Nam Hưng, Nam Tân, Thanh Quang, An Bình, Cộng Hoà, Hiệp Cát, An Sơn, Thái Tân và Minh Tân. Sản lượng cá lồng của Nam Sách năm 2020 khoảng 7.400 tấn. Riêng 9 tháng năm 2021 ước tính sản lượng đạt 3.300 tấn.

Huyện Nam Sách đã kiểm tra, hướng dẫn các hộ nuôi cá thực hiện nghiêm các quy định về môi trường, đê điều, an ninh trật tự và tập huấn kỹ thuật nuôi cá lồng thương phẩm, các phương pháp phòng trị bệnh cho cá trong quá trình nuôi.

Người nuôi đã chú trọng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chất lượng. Công nghệ truy xuất nguồn gốc như gắn tem cho cá thương phẩm cũng đã được áp dụng. Đến nay, cá lồng Nam Sách đã được bán tới nhiều tỉnh thành như: Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định…

Tuy nhiên, dịch COVID-19 kéo dài thời gian qua đã ảnh hưởng tới sản xuất và kinh doanh cá lồng của địa phương. Hiện tại, chỉ mới gần 900 tấn cá được tiêu thụ và còn tồn đọng khoảng 2.400 tấn cá. Người nuôi cá rất khó khăn để đầu tư giống, thức ăn và quay vòng chu kỳ nuôi.

Chú thích ảnhTính đến tháng 9/2021, toàn huyện Nam Sách có 105 hộ nuôi cá lồng với trên 2.800 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá rô phi, diêu hồng, chép giòn, trắm, cá lăng.

Ông Nguyễn Trung Tựu, một hộ nuôi cá ở xã Nam Tân cho biết, gia đình ông mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 650-700 tấn cá; trong đó, cá đặc sản là cá chép giòn, cá trắm. Không riêng gia đình ông mà các hộ nuôi cá khác ở địa phương hiện nay rất quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP.

Vừa qua, dịch COVID-19 khiến tiêu thụ rất khó khăn, đặc biệt là cá chép giòn và cá lăng tiêu thụ rất chậm. Qua hội nghị kết nối tiêu thụ, ông mong muốn được các cơ quan chức năng, chính quyền tăng cường quảng bá, giúp nông dân thêm kênh tiếp cận với khách hàng.

Về lâu dài, ông Tựu và một số ý kiến của các nông dân tham gia tại hội nghị đề nghị cơ quan quản lý nhà nước làm tốt quy hoạch; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường. Từ đó, ngăn chặn tình trạng xả thải không qua xử lý của các nhà máy ở đầu nguồn các con sông lớn để bảo vệ môi trường các dòng sông.

Chia sẻ với khó khăn của các hộ nuôi cá lồng đang gặp phải, ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch huyện Nam Sách cũng đánh giá: Việc tiêu thụ nhiều mặt hàng nông sản nói chung trong bối cảnh dịch COVID-19 đã và đang gặp khó khăn, trong đó có cá lồng. Nguyên nhân chính do hệ thống nhà hàng khắp các nơi phải đóng cửa trong thời gian dài để phòng chống dịch. Chính quyền địa phương đã kết nối với Sở Công Thương để đưa ra giải pháp tháo gỡ. Huyện rất mong muốn tiếp tục được hỗ trợ để quảng bá các nông sản nói chung và cá lồng nói riêng, đưa các sản phẩm này lên sàn thương mại điện tử.

Chú thích ảnhCác doanh nghiệp ký kết thỏa thuận với người nuôi cá thu mua tiêu thụ cá lồng Nam Sách.

Ông Nguyễn Lương Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại Hải Dương khẳng định: Sở Công Thương tiếp tục phối hợp tích cực với các phòng, ban của huyện Nam Sách để đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về sản phẩm cá lồng Nam Sách. Hội nghị kết nối tiêu thụ cá lồng là dịp để giới thiệu, quảng bá thế mạnh và thương hiệu cá lồng của địa phương; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, siêu thị, nhà phân phối liên kết hợp tác, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Để việc kết nối tiêu thụ mang lại hiệu quả cao trong thời gian tới, song song với việc làm ra sản phẩm có chất lượng tốt, an toàn cho người tiêu dùng, các hộ nuôi cũng cần cung cấp đầy đủ thông tin về sản lượng, các thông số kỹ thuật… cho cơ quan chuyên môn để thuận lợi cho quá trình đưa cá lồng Nam Sách lên các sàn thương mại điện tử.

Tại hội nghị, đã có 5 đơn vị ký biên bản thỏa thuận với các hộ nuôi cá lồng để tiến hành thu mua tiêu thụ sản phẩm, trong đó có 2 sàn thương mại điện tử là Voso của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel và Postmart của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam.

Nguồn bài viết