Hải Dương chú trọng đào tạo nghề gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

3 năm trước 260
Chú thích ảnhChủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng phát biểu tại cuộc họp.

Để đề án thực sự có hiệu quả, tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng việc xây dựng Hải Dương thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng cần phải khảo sát đúng, chính xác tình hình nguồn nhân lực trên địa bàn, đề ra các giải pháp thiết thực gắn với các mốc thời gian cụ thể, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp.
 
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp với công tác đào tạo của các trường nghề, các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn.
 
Ông Triệu Thế Hùng thẳng thắn chỉ rõ hiện nay công tác giáo dục, đào tạo trên địa bàn không đáp ứng được nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp và khẳng định: Các trường có học sinh hay không, chất lượng đào tạo có tốt không, uy tín không, chính là dựa vào nhu cầu của doanh nghiệp, nơi sử dụng nhân lực vì đầu ra của nhà trường chính là đầu vào của doanh nghiệp.
 
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất cơ cấu, quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống giáo dục, đào tạo từ các trường đại học, cao đẳng đến các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh; đồng thời, các trường đào tạo nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên thay đổi tư duy về đào tạo, cần có giáo án, chương trình, phương thức đào tạo mới phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển của kinh tế, xã hội; tổ chức các khóa dạy nghề ngắn hạn tập trung vào một chuyên ngành theo đặt hàng của doanh nghiệp.
 
“Các trường không thể đào tạo theo những gì mình có mà phải đào tạo theo những gì doanh nghiệp, xã hội cần”, ông Triệu Thế Hùng nhấn mạnh. Các trường cũng cần bồi dưỡng, đào tạo lại hệ thống giảng viên, giáo viên phù hợp với thực tế; giáo viên cũng cần năng động, chủ động hơn trong giảng dạy, có thể xuống tận doanh nghiệp để tìm hiểu nhu cầu nhằm xây dựng được giáo án phù hợp. Các cơ quan chức năng, các trường đào tạo nghề phải nỗ lực cải thiện chất lượng đào tạo để người dân từ bỏ tâm lý “sính bằng cấp” và đào tạo ra quá nhiều tú tài, cử nhân giỏi lý thuyết nhưng kém thực hành.
 
Các cơ quan chức năng khi hoàn thiện đề án phải có các giải pháp mang tính đột phá như tạo được cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thu hút đào tạo, tuyển dụng lực lượng lao động cho chính doanh nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học… Ngành Giáo dục cần có định hướng, hướng nghiệp cho học sinh ngay từ khi bước vào cấp học Trung học cơ sở và phải có đánh giá hiệu quả đào tạo, học sinh, sinh viên ra trường có đáp ứng được nhu cầu của xã hội không; đánh giá hiệu quả, vai trò của các Trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn. Hải Dương sẽ tiếp tục đầu tư, xây dựng khu công nghiệp động lực, chất lượng cao để thu hút doanh nghiệp công nghệ cao và nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng các trường đào tạo nghề chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong thời gian tới.   
 
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cũng yêu cầu Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh cần tìm hiểu, kết nối giữa các doanh nghiệp có nhu cầu về lao động với các trường đào tạo nghề, các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
 
Theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hải Dương, tỉnh có 2 trường đại học là Đại học Hải Dương và Đại học Thành Đông, 12 Trung tâm giáo dục thường xuyên và một số trường Đại học, Cao đẳng của Trung ương đặt trên địa bàn. Hằng năm, tỉnh có khoảng 22.000 học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông nhưng chỉ có khoảng hơn 6.000 em (chiếm khoảng 29%) thi các tổ hợp Khoa học tự nhiên còn lại là thi tổ hợp Khoa học xã hội mặc dù đã được hướng nghiệp từ trước. Số học sinh Trung học phổ thông tốt nghiệp hằng năm khoảng 26.000 học sinh, thời gian tới có thể tăng lên 41.000 học sinh. Tỷ lệ học sinh Hải Dương đỗ đại học chiếm khoảng 60%, trong khi tỷ lệ chung của cả nước chỉ khoảng 45% nhưng sau khi tốt nghiệp thì trở về làm việc tại Hải Dương không nhiều.
 
Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho biết, hiện tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ước khoảng 108.000 người. Trong đó, lao động có trình độ đại học chiếm khoảng 8,8%, cao đẳng chiếm khoảng 5,6%, trung cấp chiếm 3,9%, sơ cấp chiếm 2,3%, dạy nghề thường xuyên chiếm 64%, còn lại là lao động chưa qua đào tạo.
 
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương cũng chia sẻ, hiện nay có ngành nghề thì quá dư thừa lao động nhưng có ngành nghề thì lại rất khó để tìm kiếm nhân sự. Để có một lao động giỏi, công nhân lành nghề thì sau khi tuyển dụng, doanh nghiệp phải đào tạo thêm khoảng 2 năm; thậm chí có doanh nghiệp phải mời giáo viên giỏi từ Hà Nội xuống đào tạo cho lao động của mình. Đại diện các hiệp hội đề nghị các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề cần liên hệ với doanh nghiệp để đưa học sinh, sinh viên đến thực tập cho sát với thực tế
 
Trước đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã có kết luận về xây dựng đề án này. Lãnh đạo tỉnh Hải Dương yêu cầu đề án cần bám sát định hướng phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và tình hình thực tiễn của địa phương; khả năng đáp ứng trước yêu cầu phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghệ hỗ trợ; dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong từng loại hình…
 
Theo Đề án, đến năm 2025, Hải Dương phấn đấu giải quyết việc làm hàng năm cho 36.000 người; thực hiện phân luồng học sinh Trung học cơ sở, Trung học phổ thông vào học giáo dục nghề nghiệp đạt khoảng 30%; lao động được qua đào tạo được cấp chứng chỉ của tỉnh đạt 33%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 8,5%/năm; tỷ lệ thất nghiệp còn 3 - 4%, tỷ lệ thiếu việc làm còn 2%. Hải Dương cũng phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đại học; cụ thể, năm 2025 Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương đạt chất lượng cao; năm 2030 Hải Dương có 2 trường đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng cao và có hiệu quả hợp tác quốc tế để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao…

Nguồn bài viết