Tại kỳ họp lần này, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất thông qua 39 nghị quyết, trong đó có Nghị quyết Ban hành chương trình làm việc toàn khóa và phương hướng hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X; Chương trình giám sát năm 2022 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X.
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã tập trung thảo luận và thông qua các nghị quyết như: Phương án lập kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 do tỉnh quản lý và phân bổ (nguồn vốn ngân sách Trung ương); Chủ trương đầu tư dự án hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền, tỉnh Đồng Tháp; Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2021 - 2030; các nghị quyết quy định về phí, lệ phí… Đáng chú ý, trong lĩnh vực y tế, kỳ họp cũng đã thông qua các Nghị quyết về nâng cấp, mở rộng hệ thống cơ sở vật chất và trang thiết bị cho một số bệnh viện, cơ sở y tế; mức chi hỗ trợ thêm cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh…
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp Phan Văn Thắng đánh giá cao và biểu dương sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành, nhất là các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19; sự ủng hộ kịp thời của cộng đồng doanh nghiệp, sự đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng của nhân dân trong toàn tỉnh đã tạo nên sức mạnh to lớn để Đồng Tháp vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt cả 3 nhiệm vụ trọng tâm trong 6 tháng qua.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, ông Phan Văn Thắng đề nghị các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần cảnh giác, không chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bảo đảm an toàn tuyệt đối sức khỏe cho nhân dân. Các lực lượng tiếp tục chăm lo công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; hỗ trợ kịp thời các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhất là người nghèo, yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng thời, ông Phan Văn Thắng yêu cầu tập trung rà soát, đánh giá kỹ lưỡng tình hình hoạt động của từng lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từng thành phần kinh tế; thực hiện hiệu quả các chính sách của Hội đồng nhân dân tỉnh về hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác các thủ tục hành chính; kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; quan tâm thúc đẩy phát triển những ngành, lĩnh vực có thế mạnh của tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh thực hiện điều hành ngân sách nhà nước linh hoạt, hiệu quả, tiết kiệm; phát huy tối đa các nguồn thu có lợi thế để bù đắp các khoản có khả năng hụt thu, bảo đảm thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt kế hoạch đề ra để có nguồn lực tiếp tục đầu tư cho công tác phòng, chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Phan Văn Thắng yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, bảo đảm đến hết niên độ ngân sách năm 2021, tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công của năm; rà soát, kiên quyết điều chuyển nguồn vốn hoặc điều chỉnh chủ đầu tư đối với các dự án chậm tiến độ, không thực hiện, đồng thời xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân liên quan.
Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh khẩn trương cụ thể hóa và chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả 39 nghị quyết đã được thông qua tại kỳ họp, nhất là các Nghị quyết quy định các khoản thu dịch vụ, phục vụ, hỗ trợ; Nghị quyết quy định mức chi hỗ trợ thêm cho các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch trên địa bàn.
Theo báo cáo tại kỳ họp, tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4,44%, tăng 2,17% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 2,73%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 4,69%, khu vực thương mại - dịch vụ tăng 5,73%. Tỉnh có trên 300 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 2.500 tỷ đồng (tăng 45 doanh nghiệp và vốn đầu tư tăng trên 1.330 tỷ đồng so với cùng kỳ). Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt gần 4.500 tỷ đồng, bằng 55,1% dự toán năm (tăng 2,13% so với cùng kỳ). Công tác cải cách hành chính được quan tâm, quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác đối ngoại được duy trì...
Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm 2021, sự phục hồi kinh tế còn chậm, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu (4,44%/mục tiêu 7%); số doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng, bỏ địa chỉ kinh doanh còn nhiều (khoảng 320 doanh nghiệp); giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 17,7%, chưa đạt kế hoạch đề ra; công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chậm. Trong khi đó, dịch COVID-19 bùng phát làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, cuộc sống và sinh hoạt hằng ngày của người dân…