Cụ thể gồm: Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 để thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố Hà Nội; Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội; Nghị quyết về các giải pháp tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố.
Theo đó, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua việc cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của thành phố với 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, tu bổ tôn tạo di tích. Tổng kinh phí dự kiến đầu tư là 49.202,8 tỷ đồng thực hiện 1.467 dự án. Trong đó, giai đoạn 2021-2025 dự kiến đầu tư 41.104 tỷ đồng thực hiện 1.308 dự án; số vốn cần bổ sung so với Kế hoạch đã dự kiến bố trí là 19.345 tỷ đồng được bổ sung từ nhiều nguồn. Các đại biểu HĐND thành phố cũng thông qua việc cập nhật Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và bố trí kế hoạch vốn năm 2022.
Về Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án sử dụng vốn đầu tư công của thành phố Hà Nội, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua việc phê duyệt chủ trương đầu tư 22 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 5.010 tỷ đồng; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư 6 dự án với tổng mức đầu tư dự kiến 10.240,8 tỷ đồng.
HĐND thành phố cũng quyết nghị chuyển Dự án cải tạo môi trường hồ Tứ Liên (quận Tây Hồ) để giao chính quyền quận Tây Hồ tiếp tục thực hiện thẩm quyền liên quan đến Dự án theo phân cấp quản lý mới. UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo UBND quận Tây Hồ có trách nhiệm kế thừa các nội dung đã được phê duyệt, thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định hiện hành, làm cơ sở tiếp tục triển khai Dự án bằng nguồn vốn của quận, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Đối với Nghị quyết về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn, HĐND thành phố yêu cầu UBND thành phố Hà Nội tập trung vào 15 giải pháp cụ thể; giao Uỷ ban nhân dân (UBND) thành phố tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết, có đề án, kế hoạch, phân công, phân nhiệm cụ thể và xác định các mốc thời gian hoàn thành thực hiện các công việc chủ yếu từ nay đến hết năm 2022.
Trong quá trình thực hiện, UBND thành phố phải tổ chức rà soát, kiểm tra, thanh tra, có kết luận đối với từng dự án để xử lý và đề xuất biện pháp xử lý cụ thể theo thẩm quyền, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện với HĐND thành phố tại kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm.
Trước đó, tại Kỳ họp, UBND thành phố đã trình HĐND thành phố Hà Nội 15 giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn thành phố. Trong đó, giải pháp quan trọng là phân loại, rà soát các dự án đã có quyết định chủ trương đến nay đã quá tiến độ thực hiện nhưng chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để xử lý theo đúng quy định pháp luật. UBND thành phố sẽ kiên quyết thu hồi dự án đối với nhà đầu tư không còn phù hợp với quy định của pháp luật đầu tư, không có năng lực triển khai dự án.
UBND thành phố cũng thực hiện kiểm tra, phân loại, xử lý đối với từng dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chưa giải phóng mặt bằng (để kéo dài nhiều năm hoặc chủ đầu tư không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng) để thu hồi, hủy bỏ các quyết định và chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án theo quy định của pháp luật; tăng cường quản lý, giám sát, hậu kiểm tiến độ đầu tư, định kỳ đánh giá đầu tư bảo đảm quản lý chặt chẽ từ khi nghiên cứu lập dự án đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đến khi thực hiện xong dự án đầu tư theo quy định...
Cùng với đó, UBND thành phố tiếp tục đôn đốc, giám sát đầu tư và yêu cầu chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ, cam kết thực hiện để sớm đưa dự án vào sử dụng theo tiến độ và quy định của pháp luật đối với các dự án đã giải phóng mặt bằng xong, đang xây dựng công trình hoặc đã xây dựng một phần dự án nhưng đến nay đang ngừng thực hiện. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý đối với từng dự án theo quy định của pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm đối với trường hợp chây ì, tiếp tục vi phạm, nếu chủ đầu tư chậm, không phối hợp thực hiện thì tổ chức kiểm tra, xử phạt, ngừng, chấm dứt hoạt động của dự án.