Hòa giải cơ sở, giải quyết mâu thuẫn từ xa, từ sớm

1 năm trước 81

Qua 10 năm thực hiện Luật hòa giải, địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tiếp nhận gần 23.000 vụ việc, với tỷ lệ hòa giải thành chiếm trên 81%. Công tác hòa giải cơ sở đóng vai trò quan trọng trong ổn định an ninh trật tự địa phương.

Chú thích ảnhTổ hòa giải thôn Đông Sơn xã Đông Xá huyện Vân Đồn thống nhất phương án hòa giải trước khi đến nhà dân. 

Hòa giải cơ sở gỡ “nút thắt” mâu thuẫn

Thị xã Quảng Yên được biết đến là địa bàn “nóng”, tiềm ẩn những nguy cơ xung đột mâu thuẫn từ cơ sở bởi có khối lượng các dự án phải giải phóng mặt bằng lớn, phạm vi ảnh hưởng đến gần 10.000 hộ dân. Do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư, ổn định tình hình từ cơ sở có vai trò rất quan trọng. Địa phương này được đánh giá là đơn vị có tỷ lệ hòa giải thành ở cơ sở cao, chiếm trên 90%. Trong 10 năm, các tổ hòa giải đã tiếp nhận 1.025 vụ việc, trong đó hòa giải thành 929 vụ việc.

Theo Phòng Tư pháp thị xã Quảng Yên, các vụ việc tranh chấp chủ yếu thuộc các lĩnh vực: đất đai, mâu thuẫn vợ/chồng, vệ sinh môi trường... Việc giải quyết tận gốc những mâu thuẫn, tranh chấp góp phần ổn định an ninh, trật tự xã hội ở địa bàn dân cư, tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp chính quyền tăng cường công tác quản lý xã hội ở cơ sở; hạn chế khiếu kiện trong dân, giảm bớt tình trạng gửi đơn kiện lên Tòa án, đơn thư vượt cấp, để chính quyền, nhân dân tập trung phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn.

Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp có hiệu quả mà còn là một phương thức phổ biến giáo dục pháp luật thiết thực, nhằm giữ gìn, duy trì đoàn kết trong nội bộ nhân dân; phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư; hướng tới xây dựng một xã hội đồng thuận, đoàn kết.

Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Cẩm Thịnh, thành phố Cẩm Phả thông tin, qua công tác hòa giải ở cơ sở, nhiều vụ việc được ngăn chặn từ rất sớm, góp phần lớn trong việc đảm bảo an ninh trật tự. Nhiều vụ việc chưa cần người dân phải làm đơn hay có kiến nghị, mà chỉ khi phát hiện, tổ hòa giải đã chủ động nắm bắt, kịp thời hòa giải để người dân không phải làm đơn lên UBND phường.

Hoạt động hòa giải ở cơ sở đã kịp thời “chữa lành” những vết “rạn” tình làng nghĩa xóm. Điển hình như vụ việc ở thôn 10 xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, khi xảy ra mâu thuẫn giữa hai hộ dân về đường đi lại trước nhà. Ông Nguyễn Như Ly- một trong hai hộ dân chia sẻ, sau khi xảy ra vụ việc, tổ hòa giải đã có nói chuyện với gia đình ông và hàng xóm. Để giữ hòa khí chung, cả hai hộ đều thống nhất phương án khắc phục và duy trì tình làng nghĩa xóm.

Nâng cao chất lượng hòa giải cơ sở

Chú thích ảnhHoà giải mâu thuẫn giữa hàng xóm do chưa thống nhất về hình thức xây dựng ở thôn 10, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn. 

Ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn thông tin, trên địa bàn có 72 tổ hòa giải với 459 thành viên. Hoạt động hòa giải ở cơ sở góp vai trò rất quan trọng trong giải quyết các xung đột, mâu thuẫn tại cơ sở. Hoạt động này đã hạn chế các điểm nóng, những tích tụ, mâu thuẫn ngay từ đầu, từ đó giảm thiểu các vụ khiếu kiện đông người. Huyện Vân Đồn coi trọng chất lượng các tổ hòa giải, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Đặc biệt là người có uy tín, người cao tuổi trong cộng động tham gia tổ hòa giải cơ sở tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Theo ông Đào Văn Vũ, để quá trình tổ chức hòa giải cơ sở hiệu quả, phải phát huy được vai trò của người có uy tín trong cộng đồng. Các thành viên phải hiểu biết pháp luật để tuyên truyền, giải thích, vận động cho người dân hiểu, dân nghe. Địa phương mong muốn trong thời gian tới sẽ có những chương trình bồi dưỡng ngắn hạn đối với đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở để nâng cao năng lực, kỹ năng hòa giải tại cơ sở.

Là người có nhiều năm trong lĩnh vực hòa giải, ông Phạm Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả chia sẻ, muốn công tác hòa giải cơ sở đạt được hiệu quả cao, người làm công tác hòa giải phải là người có uy tín, nói dân nghe và đặc biệt là bản thân mình phải “sạch”, nói người dân mới tin và đồng thuận. Trong quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, hòa giải viên phải là người nắm bắt được quy định của pháp luật, khéo léo, có các mối quan hệ xã hội, có chiến lược, biết vận dụng giữa lý và tình để đi đến tiếng nói chung, hài hòa lợi ích của các bên.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Quảng Ninh Ông Nguyễn Chính Nghĩa thông tin, qua 10 thực hiện Luật Hòa giải cơ sở, địa bàn tỉnh Quảng Ninh, 22.960 vụ việc đã được tiếp nhận, trong đó, 17.990 vụ đã được hòa giải thành (đạt 81,5%). Ông Nghĩa khẳng định, hòa giải ở cơ sở góp phần quan trọng trong đời sống, ổn định an ninh trật tự, ngăn chặn từ sớm, từ xa, từ cơ sở các xung đột, mâu thuẫn. Tuy nhiên, công tác hòa giải cũng còn gặp những khó khăn nhất định như nguồn nhân lực, bởi chủ yếu là kiêm nhiệm, một số hòa giải viên mặc dù tận tâm nhưng còn hạn chế về trình độ, kiến thức. Mặt khác, kinh phí hoạt động rất thấp chỉ 100 đồng/ tháng/ tổ; vụ việc hòa giải thành chỉ có kinh phí 200 nghìn đồng/vụ/tổ. Các hòa giải viên chủ yếu làm vì trách nhiệm, những hòa giải viên ở cơ sở có thể được ví là “người vác tù và hàng tổng” song họ đều rất trách nhiệm.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục tập huấn cho hòa giải viên, đề xuất nâng cao nguồn kinh phí hoạt động cho các tổ hòa giải cơ sở, các vụ hòa giải thành và đề xuất chi kinh phí cho các vụ hòa giải không thành.

Nguồn bài viết