Hà Nội xây dựng chuỗi cung ứng nông sản qua mạng

3 năm trước 271
Chú thích ảnhNông sản sạch được tiêu thụ qua hệ thống sàn thương mại điện tử.

Chị Hà Diệu Linh, (phường Xuân La, Tây Hồ, Hà Nội) gần đây thường lựa chọn đặt hàng qua mạng, nhất là qua một số nhà phân phối được cơ quan Nhà nước xác nhận.

“Tôi lựa chọn mua hàng qua mạng vì phiếu đi chợ do tổ dân phố phát thì chợ lại xa nhà hơn 2km. Gần đây qua hội phụ nữ, tôi đã thử đặt mua thực phẩm gồm thịt, cá, rau… qua ứng dụng UboFood", chị Linh cho hay.

Đây là hình thức đi chợ qua mạng vừa đảm bảo an toàn phòng dịch, vừa mua được sản phẩm chất lượng. Các đơn vị phân phối hàng qua mạng được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội xác nhận tiêu thụ các sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm OCOP.

“Về giá cả, so với giá chợ không thay đổi mà đồ tươi ngon, không cần phải tích trữ hay chen chân nơi công cộng đông người...”, bà Nguyễn Thị Đồng, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, nhận xét.

Ông Đỗ Hoàng Thạch, Giám đốc điều hành Công ty CP Ubofood Việt Nam cho biết: “Từ khi có dịch COVID-19, thói quen người dân dần thay đổi. Nhất là đợt giãn cách xã hội mà Hà Nội thực hiện từ cuối tháng 7 đến nay, lượng đơn đặt hàng tăng gấp 10 - 15 lần, doanh thu tăng 10 lần so với những tháng trước đó. Đội ngũ nhân viên của công ty làm với công suất trên 200%. Hiện trên App có gần 50.000 khách hàng, riêng từ khi thực hiện giãn cách đã tăng thêm khoảng 10.000 khách hàng (user)”.

Chú thích ảnhThịt sách được bảo quản hệ thống kho lạnh Ubofood. Ảnh: CTV

Trong tổng số trên 1.500 sản phẩm của Ubofood đang phân phối của 200 nhà cung cấp trên 30 tỉnh thành có gần 100 sản phẩm OCOP. Đó là những sản phẩm mang tính đặc thù vùng miền, trước đây dù sản phẩm này đạt chất lượng tốt nhưng do bao bì, nhãn mác, giấy tờ chưa bài bản nên công tác kết nối để tiêu thụ rất khó khăn.

“Do đó, từ khi sản phẩm được công nhận OCOP, chúng tôi tư vấn cho các xã hoàn thiện công đoạn từ bao bì, nhãn mác, giấy tờ được chuẩn hóa, nhờ đó mà khi đưa lên sàn thương mại điện tử khá thuận lợi. Hiện Hà Nội có gần 50 sản phẩm mà Ubofood đang phân phối, điển hình như thịt lợn sinh học A-Z của HTX Hoàng Long đạt OCOP 4 sao, mỳ miến của Công ty Thực phẩm Minh Dương đạt OCOP 4 sao…”, ông Thạch chia sẻ.

Trong khi đó, ông Tô Đức Minh, Phó Tổng Giám đốc HaNo Fam cho biết: Thói quen mua hàng nông sản của người dân cũng thay đổi nhiều từ khi thực hiện giãn cách. Hiện nay Công ty có hệ thống 4 cửa hàng bán các sản phẩm nông sản qua mạng chiếm khoảng 85%. Với 3 hình thức đặt hàng trên website, fanpage facebook, zalo, từ ngày 24/7 khi Hà Nội thực hiện giãn cách, tiêu thụ qua mạng tăng tới 95%.

Chú thích ảnhSản phẩm rau sạch có nguồn gốc rõ ràng phân phối qua HaNo Fam.

“Riêng về sản phẩm OCOP, cũng có hạn chế là nhiều người tiêu dùng chưa hiểu về chương trình này nên cần sự vào cuộc, truyền thông mạnh mẽ hơn. Ngoài nông sản tự sản xuất, HaNo Farm còn nhập hàng từ các doanh nghiệp khác, với hóa đơn, chứng từ đầy đủ, đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP do Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Hà Nội cấp. Về vận chuyển, ô tô có luồng xanh đăng ký đầy đủ, xe máy cũng được đăng ký với Sở Giao thông vận tải nên cũng tạo thuận lợi khi giao hàng”, ông Tô Đức Minh chia sẻ.

Để hỗ trợ cho các sản phẩm OCOP và đơn vị sản xuất nông sản tiêu thụ hàng hóa, mới đây Văn phòng điều phối chương trình nông thôn mới Hà Nội đã tổ chức 2 lớp tập huấn bán hàng qua hình thức livestream; đồng thời tổ chức liên kết với các nhà phân phối qua app, sàn thương mại điện tử để vừa duy trì cung cấp hàng hóa nông sản cho người tiêu dùng, vừa đảm bảo an toàn.

Đây cũng là chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội tại Văn bản số 2377/UBND-KT, bảo đảm lưu thông, tổ chức cung ứng hàng hóa thiết yếu trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu tăng cường bán hàng online, qua điện thoại. Điều này cũng đang tạo thói quen tiêu dùng mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản, giảm khâu trung gian, minh bạch thông tin sản phẩm, kinh doanh sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nguồn bài viết