Hà Nội: Tháo gỡ vướng mắc, chấn chỉnh việc sử dụng các thiết chế văn hóa cơ sở không đúng mục đích

2 năm trước 225
Chú thích ảnhNhà sinh hoạt cộng đồng Tổ 20, 21 phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) phía dưới tầng 1 được sử dụng làm nơi kinh doanh thực phẩm sạch. 

Gần đây, dư luận lại một lần nữa đề cập đến vấn đề này khi mà nghịch cảnh là ở nhiều nơi, nhất là khu vực nội thành thiếu nhà văn hóa nhưng có không ít trung tâm văn hóa, nhà văn hóa xây dựng khang trang lại chưa khai thác hiệu quả, thậm chí sử dụng không đúng mục đích, gây lãng phí.

Trăm kiểu sai

Từ nhiều năm nay, khuôn viên Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tại quận Hà Đông tồn tại 6 hộ gia đình đang sinh sống. Trước đây, Sở Xây dựng, Sở Văn hóa Hà Tây (cũ) và UBND quận Hà Đông đã thực hiện chính sách đền bù, cấp đất cho các hộ gia đình này để giải tỏa khu vực trong khuôn viên Trung tâm. Trong đó, 2 gia đình xây dựng nhà nhưng chưa di chuyển, còn 4 gia đình đã được cấp đất nhưng chưa được giao đất xây nhà, vì khu đất này vẫn chưa được giải tỏa. Do trong quá trình đền bù và thực hiện giải tỏa còn nhiều vướng mắc, vì vậy, các hộ gia đình trên vẫn đang sinh sống trong khu vực khuôn viên của Trung tâm.

Bên cạnh đó, nơi này còn có 89 hộ gia đình ở trong Khu tập thể Trung tâm Văn hóa thành phố (phía sau tường rào) từ năm 1997 đến nay và 6 hộ gia đình đang sinh sống trong khuôn viên chưa có lối đi riêng. Hiện các hộ này vẫn đang đi lại và sinh hoạt chung với lối đi là cổng ra vào của Trung tâm Văn hóa. Trước đây, UBND quận Hà Đông dự kiến mở lối đi riêng ra đường 19/5 (phía sau Trung tâm Văn hóa thành phố) nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Những tồn tại này, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã báo cáo UBND thành phố về việc bố trí lối đi cho các hộ dân và giải tỏa các hộ gia đình còn đang sống trong khuôn viên của đơn vị, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Bà Lê Thị Thúy Hạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng có phương án giải quyết di dời 6 hộ dân đang sinh sống trong khuôn viên Trung tâm, đồng thời phối hợp giải quyết lối đi chung của 89 hộ dân đang sinh sống phía sau Trung tâm Văn hóa. UBND quận Hà Đông ưu tiên thực hiện dự án mở rộng đường 19/5 để mở lối đi ra cho 89 hộ dân trên cơ sở cấp đất và lối đi riêng theo đề án được các cấp phê duyệt.

Ngoài Trung tâm Văn hóa thành phố, nhiều nhà văn hóa cấp xã, phường, tổ dân phố, các nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng sử dụng không đúng mục đích.

Nhà sinh hoạt cộng đồng Tổ 20, 21 (thực chất là một nhà văn hóa nhưng chưa đáp ứng đủ các tiêu chí theo quy định), phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa nằm ngay trên mặt đường lớn, được xây dựng khang trang 2 tầng. Cũng do vị trí đắc địa, tầng 1 nhà sinh hoạt cộng đồng này được sử dụng làm nơi kinh doanh thực phẩm sạch. Mọi sinh hoạt chung của dân cư hai Tổ 20, 21 đều tổ chức trên tầng 2. Điều đáng nói là cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn lại được UBND quận Đống Đa chấp thuận thí điểm.

Chú thích ảnhNhà văn hóa phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy (Hà Nội) có một phần diện tích sân sử dụng làm nơi gửi xe ô tô. 

Nhà Văn hóa phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy nằm ở vị trí đắc địa ngay cạnh Công viên Nghĩa Đô với diện tích rộng rãi, cây cối xanh tốt. Trong một chiều cuối tuần, khi chúng tôi đến, tại đây đang có hoạt động chơi bóng chuyền của những người cao tuổi. Tuy nhiên, một góc sau nhà văn hóa lại được sử dụng bán nước giải khát, bàn ghế bày tràn ra khoảng sân rộng ngay phía trước. Diện tích từ cổng vào cũng được tận dụng làm nơi gửi xe ô tô. Nhà văn hóa có các câu lạc bộ nghệ thuật nhưng rất ít hoạt động.

Nhà văn hóa số 8 phường Ngọc Lâm, quận Long Biên lại tồn tại ki ốt kinh doanh quần áo và kinh doanh đồ thờ, đồ tang lễ ngay dưới tầng 1. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Hoài Đức xây dựng khang nhưng lâu nay được dùng phần lớn diện tích sân bãi làm nơi trông giữ xe. Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm có một quán cà phê ngay phía bên ngoài, giáp mặt đường...

Cần sớm tháo gỡ

Có thể thấy, công tác đầu tư, khai thác, quản lý và sử dụng các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa trên địa bàn Hà Nội còn gặp không ít lúng túng. Việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa đầu tư rất hạn chế do chính sách khuyến khích chưa cụ thể, thiết thực. Các nhà văn hóa nhiều nơi thiếu đồng bộ, xuống cấp nặng. Đặc biệt, do chưa có hướng dẫn quản lý, khai thác, nhiều trung tâm văn hóa, nhà văn hóa, vốn là tài sản công, lại chưa được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Việc khai thác hiệu quả các thiết chế văn hóa, trong đó có nhà văn hóa đã được ngành văn hóa Hà Nội cũng như chính quyền các quận, huyện, thị xã đề cập từ lâu nhưng hiện tại thành phố chưa có quy chế cụ thể. Trong khi nguồn kinh phí cấp cho các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa còn hạn hẹp, nếu tổ chức thêm các dịch vụ phù hợp sẽ có thêm nguồn thu để duy trì hoạt động. Thực tế, tại các thôn làng, tổ dân phố, các xã, phường hiện nay, bên cạnh việc thực hiện các hoạt động chính trị, văn hóa chung, nhiều nhà văn hóa được sử dụng làm nơi tổ chức các dịch vụ cưới hỏi. Hệ thống chính trị cơ sở chấp thuận, nhân dân ủng hộ nhưng chưa được hiện thực hóa bằng quy định cụ thể. Tất nhiên những dịch vụ không phù hợp như kinh doanh đồ ăn uống cần phải xử lý triệt để, nhằm đảm bảo môi trường lành mạnh, văn minh cho các thiết chế văn hóa. 

Theo ông Nguyễn Thành Tuyên, Phó trưởng Phòng Xây dựng nếp sống và gia đình - Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, về công tác quản lý và tổ chức hoạt động các thiết chế văn hóa đã có hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ban hành năm 2019. Hướng dẫn này áp dụng cho nhà văn hóa, khu thể thao thôn, tổ dân phố về tên gọi, vị trí, chức năng, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, cơ sở vật chất và kinh phí, chưa có hướng dẫn về khai thác, sử dụng nhà văn hóa. Tuy nhiên, kinh phí được hướng dẫn là kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và hỗ trợ tổ chức hoạt động được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí theo phân cấp hàng năm, kinh phí do nhân dân tự nguyện đóng góp, huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp và từ các nguồn thu hợp pháp khác. Vì vậy, việc sớm có quy chế về khai thác, vận hành các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội là điều cần thiết, vừa tạo cơ chế tăng nguồn thu cho thiết chế văn hóa, vừa hạn chế việc sử dụng không đúng mục đích.

Trước vấn đề nhiều thiết chế văn hóa sử dụng không đúng mục đích, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo rà soát tổng thể hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố; rà soát công tác quản lý, khai thác, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao; đổi mới phương thức, đa dạng hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sử dụng. Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố đề nghị kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng thiết chế văn hóa sai mục đích.

Nguồn bài viết