Hà Nội giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong giao đất dịch vụ

4 tháng trước 63
Chú thích ảnhHà Nội giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong giao đất dịch vụ. Ảnh minh họa: TTXVN phát

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội và Kế hoạch số 157/KH-UBND ngày 6/6/2022 của UBND thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có các văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương tổ chức, hoàn thành giao đất dịch vụ đối với các hộ đủ điều kiện được giao đất dịch vụ trên địa bàn.

Ngày 15/3, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 699/UBND-TNMT giao UBND các quận, huyện, thị xã (nơi còn tồn tại giao đất dịch vụ) xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện giao đất dịch vụ cho các hộ gia đình, cá nhân, báo cáo Ban Thường vụ Quận ủy, Huyện ủy, Thị ủy để được lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, đảm bảo cơ bản hoàn thành xong trước ngày 30/9/2024.

UBND thành phố Hà Nội cũng giao UBND các quận, huyện, thị xã (nơi còn tồn tại giao đất dịch vụ) tăng cường tuyên truyền, vận động người dân (trên cơ sở vận động nhân dân tự nguyện) nhận bằng tiền thay bằng giao đất dịch vụ cho hộ gia đình, cá nhân được hưởng chính sách tại các địa phương thiếu quỹ đất dịch vụ; báo cáo Hội đồng nhân dân quận, huyện, thị xã cân đối, ưu tiên bố trí nguồn vốn để thực hiện giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ giao đất dịch vụ trên địa bàn; chịu trách nhiệm trước pháp luật và UBND thành phố về kết quả giao đất dịch vụ trên địa bàn đảm bảo tiến độ, chất lượng và đúng quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, UBND các quận, huyện, thị xã (nơi còn tồn tại giao đất dịch vụ) rà soát, phân loại, tổng hợp các trường hợp có vướng mắc, tồn tại trong giao đất dịch vụ trên địa bàn (theo từng giai đoạn cụ thể, xác định thời điểm thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư của từng nhóm đối tượng) theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường và đề xuất phương án giải quyết báo cáo UBND thành phố (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, chỉ đạo.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho biết thêm, trên địa bàn thành phố còn tồn tại, vướng mắc ngoài chính sách đối với 15.954 hộ gia đình, cá nhân, diện tích khoảng 54,57ha (ngoài chính sách quy định qua các thời kỳ) chưa được giao đất dịch vụ (đất ở) và có đề nghị được giao đất dịch vụ, đất ở khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn. Ngày 22/10/2021, UBND thành phố đã có Văn bản số 296/BC-UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép áp dụng cơ chế đặc thù giải quyết đất dịch vụ trên địa bàn các quận, huyện trên tinh thần đảm bảo công bằng giữa các hộ bị thu hồi đất nông nghiệp.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 4621/VPCP-NN ngày 23/7/2022 và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại văn bản số 4759/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 16/8/2022, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành thành phố và UBND các quận, huyện rà soát, tổng hợp, đề xuất UBND thành phố giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong giao đất dịch vụ trên địa bàn. 

Đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đồng ý đề xuất hỗ trợ giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Mê Linh; Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã thống nhất chủ trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết vướng mắc trong giao đất dịch vụ trên địa bàn huyện Thanh Trì và đang giao UBND Thành phố thống nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện, thị xã để rà soát, phân loại các tồn tại, vướng mắc theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm cơ sở báo cáo, đề xuất UBND thành phố Hà Nội theo quy định. 

Cũng tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về tình trạng hút cát làm ảnh hưởng tới công trình nhà dân và hệ thống đê, kè tại xã Phong Vân (Ba Vì, Hà Nội), Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Anh Quân cho biết, ngày 21/6, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản số 2467/UBND-NNTN về việc tạm dừng khai thác khoáng sản đối với mỏ cát lòng sông Đà thuộc xã Dân Quyền, huyện Tam Nông tại các khu vực giáp ranh với khu vực sạt lở tại xã Thái Hòa, xã Phong Vân, huyện Ba Vì, để theo dõi, đánh giá chính xác việc ảnh hưởng của việc khai thác lòng, bờ, bãi sông...

Đến ngày 24/6, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 7593/VP-TNMT về việc phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông khu vực giáp ranh giữa tỉnh Phú Thọ và thành phố Hà Nội (địa phận huyện Ba Vì); trong đó giao các sở, ngành thành phố, UBND huyện Ba Vì phối hợp các cơ quan liên quan của tỉnh Phú Thọ khảo sát, đánh giá, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến sạt lở chân kè, đỉnh kè và các công trình dân sinh tại các xã Thái Hòa, Phong Vân thuộc địa bàn huyện Ba Vì...

Ngoài ra, theo đề xuất của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội tại Văn bản số 47/BCH ngày 24/5/2024, UBND thành phố đã giao UBND huyện Ba Vì chỉ đạo phòng chuyên môn của huyện, UBND xã Phong Vân phối hợp với Hạt Quản lý đê số 1 tổ chức cắm biển cảnh báo, rào chắn và không để người dân qua lại khu vực sạt lở; có biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản; chủ động di dời người và tài sản ra khỏi khu vực đang xảy ra sạt lở.

Song song với đó, UBND huyện Ba Vì theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, nếu xảy ra tình huống mất an toàn phải chủ động xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”; báo cáo về Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo theo quy định; rà soát, hoàn thiện và triển khai phương án phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn đê điều, an toàn tính mạng, tài sản của người dân khu vực trên.

Nguồn bài viết