Để bảo đảm cung - cầu hàng hóa, các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, bán lẻ trên địa bàn đã chủ động dự trữ hàng hóa, tích cực tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.
Theo Sở Công Thương Hà Nam, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 110 chợ, 3 trung tâm thương mại và 6 siêu thị; hạ tầng thương mại phát triển tại thành phố và trung tâm các thị trấn, thị tứ ở các huyện với các điểm bán hàng tiện lợi, tiện ích ngày càng nhiều. Hệ thống phân phối xăng dầu bao gồm 168 cửa hàng bán lẻ xăng dầu bố trí trên địa bàn toàn tỉnh.
Mặc dù nguồn cung xăng dầu có nhiều khó khăn, nhưng Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Hà Nam đã nỗ lực khắc phục để tham gia chương trình bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.
Ông Trịnh Đình Việt, Quản lý kho xăng dầu, Công ty TNHH MTV Dầu khí Hải Linh Hà Nam cho biết, đến nay, công ty đã dự trữ hơn 1.000 m3 xăng Ron 95-III, hơn 3.000 m3 dầu Diesel 0.005S-II theo đúng cam kết với Sở Công Thương Hà Nam.
Tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão, siêu thị Winmart Hà Nam dự trữ 1.000 thùng mì ăn liền; 2.000 gói lương khô, 2 tấn gạo; 160 thùng nước đóng chai. Cùng với đó, siêu thị đã chuẩn bị phong phú, đa dạng các mặt hàng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng dịp Tết như: bánh, kẹo, mứt, bia, nước giải khát, thực phẩm…
Ông Phạm Văn Hiệu, Giám đốc Siêu thị Winmart Hà Nam cho biết, để hỗ trợ người tiêu dùng, đồng thời kích cầu mua sắm, siêu thị liên tục chạy chương trình khuyến mại, giảm giá hấp dẫn từ nay đến Tết Nguyên đán; trong đó, tập trung những mặt hàng thiết yếu, tiêu dùng nhiều dịp Tết như: giấy ăn, bánh, mứt, kẹo, thực phẩm, bia, rượu, nước giải khát…
Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn tỉnh Hà Nam cũng đã chủ động khai thác nguồn hàng tham gia chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 như: Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam đăng ký 6.000 tấn gạo các loại; Công ty TNHH Thuỷ Long Hà Nam đăng ký 3.000 tấn gạo; Chi nhánh Xăng dầu Hà Nam dự trữ trên 10.000 m3 xăng và trên 15.100 m3 dầu Diesel các loại; Công ty TNHH MTV Lan Chi đăng ký 2 tấn gạo, 40 tấn bánh, kẹo, mứt; 15.000 thùng các mặt hàng khô; 5.000 thùng sữa; gần 5.300 thùng nước đóng chai…
Ông Phan Thanh Sơn, Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Hà Nam cho biết, qua kiểm tra, giám sát thị trường cho thấy các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường đã chủ động khai thác nguồn hàng, tổ chức tốt việc lưu thông và phân phối hàng hoá, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Để đảm bảo đủ lượng hàng bình ổn, các doanh nghiệp đã sớm làm việc và ký kết với đơn vị cung cấp thực hiện việc đưa hàng về dự trữ tại các kho tổng và cam kết bổ sung hàng hoá kịp thời khi sức mua tăng cao.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, Sở Công Thương Hà Nam sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường, cung cầu hàng hóa, dịch vụ để có biện pháp cụ thể bảo đảm cân đối cung - cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến; đôn đốc các doanh nghiệp, đơn vị phân phối triển khai các chương trình kích cầu tiêu dùng, mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa đến khu vực đông dân cư, khu công nghiệp, các xã vùng xa… nhằm tăng khả năng tiếp cận hàng bình ổn cho các đối tượng khó khăn, các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp. Sỡ sẽ tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt, hàng có nguồn xuất xứ rõ ràng.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương Hà Nam phối hợp với Cục Quản lý Thị trường Hà Nam tăng cường kiểm tra, giám sát về giá, chất lượng sản phẩm, các quy định về an toàn thực phẩm, các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá trái pháp luật. Sở tập trung giám sát, kiểm tra việc duy trì bán hàng và thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu; việc cung ứng điện, có phương án dự phòng để đảm bảo đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân dịp Tết Nguyên đán.