Tại hội nghị, đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm đã thảo luận, trao đổi, chia sẻ về quy trình sản xuất an toàn, sản lượng sản phẩm của đơn vị; đồng thời đưa ra những giải pháp để kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã đạt hiệu quả như: mỗi hợp tác xã phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết về số lượng, thời điểm cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm; hợp tác xã có kế hoạch tuyên truyền, thông tin rộng rãi sản phẩm, hàng hóa của hợp tác xã, đặc biệt là quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội; đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp, trao đổi thông tin về đầu tư, sản xuất giữa các hợp tác xã trong vùng. Bên cạnh đó, đại diện các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng đề nghị nhà nước có thêm nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào hoạt động tiêu thụ sản phẩm của hợp tác xã…
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, khó khăn lớn nhất của các hợp tác xã hiện nay là khâu tiêu thụ sản phẩm. Hội nghị xúc tiến thương mại, kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giúp các hợp tác xã tiếp cận, chia sẻ những cơ hội hợp tác kinh doanh, xúc tiến thương mại, phát triển hàng hóa, trao đổi và đàm phán với các doanh nghiệp; thúc đẩy liên kết, phát triển sản xuất của hợp tác xã trong tỉnh Hà Nam và các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Hồng.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Mạnh Cường đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam tiếp tục phối hợp với các sở, ngành làm tốt việc cung cấp thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm qua các kênh thương mại, sàn giao dịch điện tử. Các hợp tác xã cần chú trọng giữ gìn uy tín, thương hiệu trong sản xuất, đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt, mẫu mã đẹp và nguồn gốc rõ ràng. Trong quá trình hoạt động cần nâng cao năng lực quản trị, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý, sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, các hợp tác xã cần chủ động trong việc tham gia các hoạt động giao thương, hội chợ, triển lãm để quảng bá, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Các hợp tác xã ký bản ghi nhớ, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp.Theo ông Lê Quang Vọng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam, những năm qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Hà Nam đã phối hợp với các Sở, ban, ngành, địa phương, Liên minh Hợp tác xã các tỉnh, thành phố tổ chức các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó nhiều sản phẩm có thế mạnh, đặc sản của Hà Nam và các địa phương, vùng miền được quảng bá rộng rãi. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ sản xuất ngày càng nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến thương mại; chủ động hơn trong việc tham gia các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh để quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Tại Hà Nam, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chủ lực của hợp tác xã gắn với sản phẩm chủ lực của địa phương, tiêu biểu như các sản phẩm: lúa gạo, các loại nấm, sản phẩm dược liệu, rau màu, hoa quả, các loại thủy sản nước ngọt… Mô hình hợp tác xã kiểu mới ít thành viên đã phát huy tiềm năng, thế mạnh nhất định của các địa phương với sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường như: chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông sản an toàn…
Đại biểu tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm hợp tác xã.Trong khuôn khổ hội nghị, gần 30 hợp tác xã của tỉnh Hà Nam và một số tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng đã mang đến trưng bày, giới thiệu hàng trăm đặc sản nông nghiệp, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng chất lượng.