Tại kỳ họp lần này, HĐND tỉnh đã nhất trí cao và thông qua 34 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, các chính sách, dự án phát triển đa mục tiêu vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã nghèo…, được cử tri và nhân dân quan tâm.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, ông Thào Hồng Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, kỳ họp đã thể hiện tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, sáng tạo, trách nhiệm trước nhân dân, thẳng thắn thảo luận, tranh luận, chất vấn. Kỳ họp đã biểu quyết thông qua 34 nghị quyết, các nghị quyết được thông qua tại kỳ họp này đã bám sát chủ trương, nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang, tiếp tục cụ thể hóa các văn bản của Trung ương vào điều kiện thực tế của địa phương, tạo cơ sở pháp lý và động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Giang Thào Hồng Sơn cũng đề nghị, ngay sau kỳ họp này, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang, các ngành khẩn trương triển khai các nghị quyết, có giải pháp chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm nhằm phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tạo đà thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.
Tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; các chương trình hỗ trợ tín dụng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện hiệu quả việc lồng ghép các nhiệm vụ, chính sách phát triển kinh tế - xã hội với các tiêu chí của 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Sau kỳ họp này, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các nghị quyết vừa được thông qua. Các đại biểu HĐND tỉnh sớm tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp đến cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2022, mặc dù khó khăn, thách thức, song với tinh thần “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng an toàn, hiệu quả, phục hồi, phát triển”, Hà Giang đã đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực, 29/36 chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 7,8% so với năm 2021; tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 13.790 tỷ đồng, tăng 18,5%; thu ngân sách 2.565 tỷ đồng, đạt 132,7% dự toán trung ương giao; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt 34,3 triệu đồng/người.
Hà Giang đã tập trung nguồn lực để triển khai xây dựng nhiều công trình, dự án hạ tầng có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh, như: Đường cao tốc Hà Giang - Tuyên Quang giai đoạn I; nâng cấp đường tỉnh 177 Bắc Quang - Xín Mần; đập dâng nước tạo cảnh quan trung tâm thành phố Hà Giang… Bên cạnh đó là tập trung hoàn chỉnh quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thẩm định trình Chính phủ phê duyệt; triển khai thực hiện chương trình chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện, hiệu quả.
Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững. Hỗ trợ xây dựng được 6.700 ngôi nhà ở với số kinh phí huy động trên 400 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo. Chương trình xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong nhân dân… được cả hệ thống chính trị vào cuộc, thành phong trào sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, đồng bộ đang đi vào đời sống thực tiễn của nhân dân, góp phần lớn trong cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân. Tiềm năng về du lịch của Hà Giang tiếp tục được phát huy, khai thác có hiệu quả, bền vững, thu hút 2,2 triệu lượt khách.
Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; quan tâm giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo; thực hiện quyết liệt, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền tiếp tục đổi mới, quyết liệt và toàn diện hướng tới người dân. Quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường; độc lập, chủ quyền được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được đảm bảo.