Từ nhiều năm nay, Võ Nhai luôn được coi là huyện "ba khó": khó khăn về địa bàn với địa hình phức tạp, chia cắt, mật độ dân cư thưa thớt; khó khăn trong thoát nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, lên tới 20,3%, gấp gần 3 lần mức bình quân chung toàn tỉnh; khó khăn trong thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội bởi ngoài hai cụm công nghiệp với số ít nhà đầu tư đang hoạt động thì huyện chưa thu hút được nhà đầu tư ở các lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, huyện còn nhiều khó khăn khác như: kết cấu hạ tầng kỹ thuật còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông. Thu ngân sách thấp nhất tỉnh. Sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, chưa có các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Hệ thống trường lớp vùng sâu, vùng xa xuống cấp, thiếu các trang thiết bị dạy và học. Một số nơi vẫn tồn tại các phong tục, tập quán lạc hậu như: tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tin theo tà đạo...
Nguyên nhân của tình trạng này do nguồn vốn đầu tư cho phát triển hạn chế, cơ sở hạ tầng nông thôn thiếu thốn. Việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chưa nhiều. Năng lực lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở ở một số nơi còn yếu, chưa hiệu quả...
Để phá thế "ba khó", từ năm 2020 trở lại đây, huyện Võ Nhai ưu tiên phát triển nông, lâm nghiệp, trong đó tập trung phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao mà huyện có lợi thế như: na, bưởi, ổi... đưa tổng diện tích trồng cây ăn quả của huyện lên hơn 1.600 ha, tập trung tại các xã Tràng Xá, La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng... Hàng năm, huyện triển khai trồng mới từ 20 đến 30 ha chè giống mới, hình thành vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, mở rộng vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap lên 200 ha kết hợp với công nghệ sao sấy tiên tiến. Đến nay, huyện đã có 8 sản phẩm nông nghiệp thế mạnh được chứng nhận sản phẩm OCOP, từng bước hình thành vùng chăn nuôi tập trung với khoảng 30 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi gia công theo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp.
Là địa phương có tiềm năng về phát triển du lịch với các di tích, danh thắng nổi tiếng như: hang Phượng Hoàng - suối Mỏ Gà, di chỉ khảo cổ học Thần Sa, thác Mưa Rơi... cùng hệ sinh thái núi đá vôi đa dạng sinh học, huyện Võ Nhai đã xây dựng chương trình phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Huyện phối hợp với Hiệp hội Du lịch các tỉnh, các doanh nghiệp xây dựng các tour du lịch trên địa bàn, thực hiện quy hoạch phát triển khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 với 12 điểm du lịch cộng đồng và tổng diện tích quy hoạch khoảng 200 ha.
Huyện Võ Nhai đặc biệt chú trọng triển khai có hiệu quả hai chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn gồm chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Hiện toàn huyện đã có 6/14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đồng thời tích cực lồng ghép các chương trình, dự án của Chính phủ đối với các xã đặc biệt khó khăn trong thự chiện công tác giảm nghèo, góp phần giảm khoảng 3% số hộ nghèo mỗi năm.
Cùng với việc phát triển tiềm năng đất nông lâm nghiệp, Võ Nhai xác định việc huy động nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng là bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Do vậy, cùng với việc triển khai có hiệu quả các dự án xây dựng hạ tầng nông thôn, đặc biệt là đường giao thông, Võ Nhai đảm bảo 100% số thôn, bản có điện lưới quốc gia, nâng cấp, sửa chữa các công trình nước sinh hoạt tập trung, giúp cho gần 98% người dân có nước sinh hoạt hợp vệ sinh sử dụng, tích cực thu thút đầu tư vào Cụm công nghiệp Trúc Mai và Cụm công nghiệp Cây Bòng tại xã La Hiên...
Bí thư Huyện ủy Võ Nhai Hà Thị Bích Hồng cho biết, từng bước tháo gỡ "ba khó", trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng diện tích chè, cây ăn quả, phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn... Huyện phấn đấu giá trị sản xuất nông lâm nghiệp tăng bình quân hàng năm khoảng 5,5%, giá trị sản phẩm trên mỗi ha đất nông nghiệp tăng 4,5%/năm. Huyện tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp bảo quản, chế biến nông lâm sản. Võ Nhai tích cực thu hút tối đa các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, phấn đấu đến năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hàng năm giảm 3% số hộ nghèo theo tiêu chí mới, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 40%.
Huyện xúc tiến thực hiện một số dự án phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm giai đoạn 2022-2025, nổi bật là dự án xây dựng Khu nghỉ dưỡng kết hợp khu ở sinh thái và dịch vụ hỗn hợp Phượng Hoàng diện tích gần 200 ha tại xã Phú Thượng và Dự án Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, hữu cơ, đặc sản với diện tích khoảng 50 ha và tổng kinh phí đầu tư 100 tỷ đồng...