Hiệu quả của các dự án thủy điện tại Tuyên Quang

10 tháng trước 47

Các công trình, dự án thủy điện hoàn thành và đưa vào khai thác giúp tăng tỷ trọng các ngành kinh tế chủ lực, đóng góp vào ngân sách, tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Chú thích ảnhToàn cảnh Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, thuộc địa phận huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang. 

Ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay, Tuyên Quang có 14 dự án thủy điện đã được Bộ Công Thương bổ sung vào quy hoạch; trong đó, có 4 dự án thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 444 MW gồm: Nhà máy thủy điện Tuyên Quang, Nhà máy thủy điện ICT Chiêm Hóa,  Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8A, Nhà máy Thủy điện Sông Lô 8B.

Năm 2022, các dự án thủy điện đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp trên 860 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 360 tỷ đồng. Quý I năm 2023, các dự án thủy điện đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp 154 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 46 tỷ đồng.

Cũng theo ông Hoàng Đức Tiến, người dân được hưởng lợi từ việc phát triển các dự án thủy điện nhờ dự án như làm mới, nâng cấp, mở rộng đường giao thông, các chương trình an sinh, xã hội.

Dự án Thủy điện Tuyên Quang là công trình trọng điểm quốc gia được khởi công xây dựng cuối năm 2002 và bắt đầu phát điện từ năm 2008. Ông Vũ Văn Tinh, Giám đốc Công ty Thủy điện Tuyên Quang cho biết, Nhà máy thủy điện Tuyên Quang được xây dựng trên sông Gâm, thuộc thị trấn Na Hang, huyện Na Hang.

Công trình có 3 tổ máy, với tổng công suất 342 MW, sản lượng điện hàng năm là 1 tỷ 300 triệu KWh, với tổng số vốn đầu tư xây dựng là 7.500 tỷ đồng.  Từ khi đưa vào vận này đến nay, tổng sản lượng điện của nhà máy đạt trên 19 tỷ kWh, đảm bảo phát điện an toàn, liên tục cho các hoạt động của địa phương, đóng góp 2.934 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước. Năm 2022, sản lượng điện sản xuất là 1.431,955 triệu kWh, bằng 120,6% so với kế hoạch EVN giao, bằng 143,2% so với năm 2021.

Cũng theo ông Vũ Văn Tinh, ngoài điều tiết, cắt lũ hoàn toàn cho thành phố Tuyên Quang, từ khi đi vào vận hành, nhà máy đã điều tiết hơn 16 tỷ m3 nước phục vụ đổ ải vụ Đông Xuân, điều tiết xả lũ hơn 14 tỷ m3 nước theo quy trình vận hành, đảm bảo chống lũ an toàn cho công trình và hạ du.

Tại huyện vùng cao Na Hang, việc Thủy điện Tuyên Quang xây dựng và đi vào hoạt động đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, tài nguyên môi trường và du lịch.

Ông Tô Viết Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Na Hang cho biết, hồ chứa Thủy điện Tuyên Quang với mặt  nước trong xanh rộng hơn 8.000 ha, bao quanh là 99 ngọn núi hùng với thảm thực vật tươi tốt đang là điểm du lịch hấp dẫn, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách tham quan đến Na Hang mỗi năm. Đây cũng là nguồn “tài nguyên du lịch” lớn để huyện Na Hang tiếp tục khai thác, phát triển. Đồng thời, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện đã trở thành một nghề mang lại nguồn thu nhập ổn định, tạo việc làm cho hơn 100 hộ dân tại thị trấn Na Hang.

Cùng khai thác dòng chảy của sông Gâm, năm 2009 Thủy điện ICT Chiêm Hóa dược xây dựng tại xã Ngọc Hội, huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang là thủy điện cột nước thấp đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam và hoạt động liên kết với Thủy điện Tuyên Quang. Nhà máy hoàn thành vào tháng 3/2013 với công suất lắp máy 48 MW, tổng số vốn gần 1.828,4 tỷ đồng. Sản lượng điện hàng năm là khoảng 198,6 triệu KWh. Đây cũng là nhà máy thủy điện đầu tiên của Việt Nam sử dụng công nghệ turbin chảy thẳng kiểu bóng đèn có thể phát điện với cột nước rất thấp (mức thấp nhất là 2,5 m và cột nước tính toán là 7m).

Theo ông Đỗ Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, khi Nhà máy Thủy điện ICT Chiêm Hóa đi vào hoạt động, nhiều hộ dân tại các xã ven sông như Yên Lập, Hủng Mỹ, Ngọc Hội, Vĩnh Lộc... đã tập trung phát triển chăn nuôi cá lồng với các giống cá chiên, cá lăng, cá bỗng mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Huyện có trên 500 lồng cá, nghề nuôi cá đặc sản trong lồng trên vùng lòng hồ thủy điện Chiêm Hóa, giải quyết việc làm, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân.

Chú thích ảnhVùng hồ chứa Thủy điện Tuyên Quang với mặt nước rộng 8.000 ha là điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng phát triển, mang lại nguồn thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho hơn 100 hộ dân tại thị trấn Na Hang. 

Khai thác dòng chảy sông Lô, dự án thủy điện Sông Lô 7 là một trong những dự án trọng điểm đang được tỉnh Tuyên Quang khẩn trương hoàn thiện. Dự án được xây dựng tại 2 xã Yên Phú và Minh Dân, huyện Hàm Yên, có công suất 36 MW, tổng vốn đầu tư trên 1.490 tỷ đồng.

Ông Bàn Văn Giáp, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Lô 7 cho biết, công trình thi công đã đạt 96% kế hoạch. Hiện tại, các hạng mục nhà máy, đập tràn, đường dây 110kV đấu nối thủy điện Sông Lô 7 vào hệ thống điện Quốc gia đang được khẩn trương thi công. Các đơn vị đang phấn đấu tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số 01 vào cuối quý II/2023.

Dự kiến phát điện tổ máy số 02 và 03 trong quý III/2023.  Sau khi đi vào hoạt động ổn định, Dự án Thủy điện Sông Lô 7 sẽ cho sản lượng điện trung bình hàng năm 163,6 triệu KWh, góp phần ổn định lưới điện, tạo việc làm cho khoảng 40 lao động và nộp ngân sách khoảng 25 tỷ đồng/năm.

Để tiếp tục tăng nguồn lực thủy điện, ông Hoàng Đức Tiến, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết: tỉnh Tuyên Quang tiếp tục rà soát, đánh giá quy hoạch thủy điện, kiểm tra việc tuân thủ quy trình vận hành hồ chứa, phương án phòng, chống lụt bão, quy trình bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị vận hành trên tuyến đập; tập trung đôn đốc, hướng dẫn, đồng hành cùng các nhà đầu tư trong việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà máy thủy điện đã được phê duyệt trong quy hoạch, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng và phát điện theo tiến độ thực hiện.

Đồng  thời, ngành công thương Tuyên Quang sẽ phối hợp với các sở, ngành chuyên môn gỡ khó, tham mưu với UBND tỉnh Tuyên Quang  xử lý dứt điểm các dự án chậm tiến độ. Đặc biệt, là các dự án đã được tỉnh giãn tiến độ; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm hoặc không thực hiện nghiêm túc quy định hiện hành về đầu tư, chất lượng công trình, cam kết bảo đảm môi trường theo quy định.

Nguồn bài viết