Do vậy, gắn giải ngân đầu tư công với xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào là những mục tiêu chính được huyện miền núi cao Tây Giang chú trọng và đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Mưa lũ cuối năm 2020 và những năm qua đã khiến cho hàng loạt các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Tây Giang... bị tàn phá nghiêm trọng. Vì vậy, gắn giải ngân đầu tư công với khôi phục hạ tầng sản xuất vùng đồng bào là ưu tiên hàng đầu của huyện Tây Giang. Chỉ riêng trong năm 2022, huyện Tây Giang được đầu tư gần 121 tỷ đồng để khôi phục, phát triển cơ sở hạ tầng, đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, tuân thủ đúng theo quy trình, trình tự xây dựng cơ bản hiện hành, sớm phê duyệt chủ trương đầu tư và báo cáo kinh tế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu đảm bảo năng lực và triển khai thi công các dự án được đầu tư nên trong năm 2022 Tây Giang đã nghiệm thu đưa vào sử dụng 43 công trình, trong đó có những công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng như: Đường giao thông nông thôn đi khu sản xuất Croong, thôn Acáp, xã Anông, công trình khắc phục sạt lở khu dân cư thôn Atêếp, xã Bhalêê; di dời sắp xếp dân cư sạt lỡ Ganil, xã Axan; công trình điện thắp sáng Trung tâm xã Bhalêê, Di dời sắp xếp dân cư sạt lỡ thôn Voòng, xã Tr’hy...
Ông Bhríu Hùng, người dân thôn Voòng, xã Tr’hy chia sẻ: Trước đây khi về khu tái định cư mới này, bà con không thật sự yên tâm khi mùa mưa lũ đến, bây giờ về khu tái định cư mới, được Nhà nước hỗ trợ tiền làm nhà, trong khu tái định cư có đầy đủ điện sinh hoạt, công trình nước sạch, gần trường học và trạm y tế xã nên bà con phấn khởi lắm, không còn lo sợ gì nữa.
Giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Tây Giang Trần Thanh Phước cho biết: "Ở miền núi, thời tiết không thuận lợi như ở đồng bằng. Vì vậy chúng tôi tập trung vật tư và nhân lực đầy đủ tại công trình, tranh thủ thời tiết thuận lợi ngày nào là thi công ngày đó. Nhờ vậy, hàng loạt công trình vừa đảm bảo vượt lũ, vừa đảm hoàn thành đưa vào sử dụng trước thời gian quy định, góp phần đảm bảo cuộc sống cho đồng bào ở các khu tái định cư, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông truyền tuyến đường về các xã vùng sâu vùng xa này. Công tác khắc phục giao thông sau các đợt bão được chỉ đạo triển khai kịp thời, cơ bản đảm bảo phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân và nhiệm vụ chính trị của huyện; các tuyến giao thông được thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, quản lý đúng quy định; triển khai đảm bảo chỉ tiêu khối lượng Đề án kiên cố hóa mặt đường ĐH và giao thông nông thôn năm 2022, chuẩn bị tốt kế hoạch năm 2023 trên địa bàn".
Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm chia sẻ: Công tác chỉ đạo, điều hành trên lĩnh vực đầu tư xây dựng năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng chủ động, chặt chẽ, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đầu tư, tiến độ thi công và giải ngân thực hiện cơ bản theo yêu cầu. Tổng nguồn vốn đầu tư XDCB ước tính đến cuối năm 2022, (kể cả năm 2021 chuyển sang) là 322.315,70 triệu đồng, ước thực hiện giải ngân đến 31/1/2023 được 234.266,07 triệu đồng, đạt tỷ lệ 72,68% kế hoạch. Nếu loại trừ nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia: 133.639,90 triệu đồng (Giảm nghèo: 69.063,78 triệu đồng; xây dựng Nông thôn mới: 14.473 triệu đồng; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: 50.103 triệu đồng) ước thực hiện giải ngân đến ngày 31/1/2023 là 160.001,23 triệu đồng/171.136,79 triệu đồng, đạt 93,49% kế hoạch vốn năm 2022. Tổ chức thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu 134 công trình, hồ sơ dự toán 43 công trình và hồ sơ quyết toán 139 công trình.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Nguyễn Văn Lượm, sắp xếp dân cư gắn với phòng tránh thiên tai, phát triển sản xuất là những nhiệm vụ trọng tâm luôn được cấp ủy Đảng và Chính quyền huyện Tây Giang đặc biệt quan tâm. Trong năm 2022, bằng nhiều nguồn lực huyện đã xây dựng phương án bố trí, sắp xếp, ổn định dân cư; phê duyệt danh sách bố trí, sắp xếp dân cư theo Nghị quyết 23 trên địa bàn huyện, giai đoạn 2021-2025. Từ những nỗ lực và cách làm trên, đến nay Tây Giang cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 115 điểm dân cư/63 thôn, với tổng diện tích hơn 370 ha, bố trí nơi ở ổn định cho trên 5000 hộ với tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Những công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước sạch sinh hoạt đều được xây dựng tại các khu tái định cư để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho đồng bào.
Là địa phương có đường biên giới với huyện Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào; phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng khu dân cư an toàn; huyện Tây Giang chỉ đạo các địa phương phối hợp với các Đồn Biên phòng: Anông, Axan và Gari thường xuyên tuần tra, bảo vệ cột mốc, mốc giới quốc gia và cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kạ Lừm. Chủ động, phối hợp tuyên truyền nhân dân khu vực biên giới về Hiệp định Quy chế biên giới Việt Nam-Lào. Qua đó, nâng cao nhận thức của nhân dân về chủ quyền biên giới, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, hạn chế được tình trạng di cư tự do, xâm canh, xâm cư và vượt biên trái phép. Tổ chức giao ban thường niên với với huyện Kạ Lừm, tỉnh Sê Koong, Lào. Tăng cường thực hiện các hoạt động giữ gìn tình hữu nghị Việt-Lào. Trong năm Tây Giang cũng đã tổ chức thành công hội đàm giữa Tây Giang với Đoàn đại biểu cấp cao huyện Kạ Lừm, tỉnh Sê Koong, Lào, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết Việt – Lào anh em.
Dự báo năm 2023, tình hình kinh tế và xã hội tiếp tục phục hồi nhưng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khả năng huy động nguồn lực khó đáp ứng hết được nhu cầu; dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn; biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, mưa lũ thường xuyên xảy ra tác động xấu đến tình hình đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những khó khăn, thách thức nêu trên, tình hình kinh tế - xã hội của huyện cơ bản ổn định; cùng với những giải pháp chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh, huyện ủy, HĐND huyện về cải tạo môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, sắp xếp dân cư, ổn định đời sống. Trong bối cảnh đó, UBND huyện dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2023 là: Tiếp tục phát huy kết quả đạt được, huy động tối đa tiềm năng và lợi thế; tập trung tiêm phòng vac-xin COVID-19; phòng chống thiên tai; huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp, trồng rừng, dược liệu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2022; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; huy động mạnh các nguồn lực để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, tập trung xây dựng nông thôn mới, thôn nông thôn mới, gắn với phát triển du lịch; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Tăng cường công tác bảo vệ biên giới quốc gia; đảm bảo quốc phòng-an ninh, công tác đối ngoại và tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông.
Xuất phát từ điều kiện huyện miền núi địa hình phức tạp, chia cắt lại có đông đồng bào dân tộc sinh sống; thiên tai thường xuyên xuất hiện gây thiệt hại lớn về người, tài sản. Vì thế, yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tây Giang là tập trung làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư gắn với phát triển kinh tế- xã hội để ổn định đời sống nhân dân. Để đạt mục tiêu này, Tây giang sẽ tiếp tục ưu tiên lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 triển khai có hiệu quả công tác xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn. Triển khai có hiệu quả lộ trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 tại 02 xã Axan và Bhalêê; chỉ tiêu xây dựng thôn NTM, thôn NTM kiểu mẫu theo kế hoạch; phấn đấu trong năm, bình quân tiêu chí đạt được tăng từ 01 đến 1,5 tiêu chí/xã; Lồng ghép nhiều nguồn lực, trọng tâm là Nghị quyết 23/2021 của HĐND tỉnh và các Chương trình mục tiêu Quốc gia để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sắp xếp, chỉnh trang một số khu dân cư gắn với phòng tránh thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân. Tăng cường công tác đối ngoại, phối hợp các Đồn Biên phòng đảm bảo an ninh biên giới, bảo vệ chủ quyền tổ quốc, giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị với huyện Kạ lừm, tỉnh Sê Kông (Lào).