Gần 240 tỷ đồng khắc phục sạt lở cù lao hạ lưu sông Tiền

1 năm trước 80
Chú thích ảnhKhảo sát khu vực sạt lở nghiêm trọng ở Cồn Cống, xã Phú Tân, Tân Phú Đông, Tiền Giang, (ảnh tư liệu - minh họa).

Theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Tấn Trường, dự án được khởi công từ ngày 01/12/2022 với 3 gói thầu gồm: gói thầu số I đoạn K3+775 - K6+000; gói thầu số II đoạn K0+000 - K2+100; gói thầu số III đoạn K2+100 - K3+775, tổng chiều dài 6.000 m kè.

Quy mô thực hiện gồm thi công đê giảm sóng; trong đó, các khối cấu kiện bê tông cốt thép kết cấu rỗng được lắp đặt kết nối lại thành tuyến đê phía ngoài xa bờ biển nhằm giảm sóng cùng các công trình phụ trợ không chỉ có tác dụng phòng, chống sạt lở mà còn góp phần gây bồi, tạo bãi để địa phương tiếp tục trồng, tái tạo rừng phòng hộ phía trong đê, tạo hệ sinh thái bền vững ứng phó biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai.

Đến giữa tháng 11/2023, 2 gói thầu số 1 và số 2 cơ bản hoàn thành đang nghiệm thu đưa vào sử dụng; gói thầu số 3 đang được đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các phần việc còn lại, dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Riêng đoạn còn lại dài khoảng 790 m đang trong giai đoạn làm thủ tục mời thầu, dự kiến sang năm 2024 mới có thể khởi công.

Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, ngoài phòng, chống sạt lở và giảm nhẹ thiên tai, tuyến kè Cồn Ngang còn giúp tạo bãi bồi, phục hồi diện tích rừng phòng hộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững hạ lưu sông Tiền của xã Phú Tân và huyện Tân Phú Đông cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ an ninh biên giới biển cho khu vực trọng yếu này.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Nguyễn Trung Hòa cho biết, khu vực Cồn Ngang nằm ở hạ lưu sông Tiền (xã Phú Tân, huyện Tân Phú Đông) tiếp giáp biển Đông đang bị sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng sản xuất và đời sống nhân dân.

Ước tính, trung bình mỗi năm, do sóng gió và triều cường xâm thực gây sạt lở và biển lấn sâu vào đất liền từ 10 m đến 15 m. Dân cư tại đây phải di dời chạy lở, các công trình kiến thiết hạ tầng như đường sá giao thông, nhà cửa nhân dân bị hư hại, rừng cây phòng hộ ven biển bị chết hoặc trốc gốc không thể sống nổi...

Bà Hoàng Thị Nga, cư ngụ tại ấp Cồn Cống (xã Phú Tân) cho biết, sạt lở nghiêm trọng nhất vào thời điểm gió mùa Đông Bắc từ khoảng tháng 10 âm lịch năm trước kéo dài đến tháng 2, 3 âm lịch năm sau. Hiện nay, người dân trong vùng sạt lở nghiêm trọng phải di dời toàn bộ vào sâu trong đất liền để giảm nguy cơ thiên tai.

Tại đây, còn ngôi miếu được xây cất từ lâu đời, trước nằm cách rất xa bờ biển. Tuy nhiên, do sóng gió và triều cường khốc liệt xâm thực hàng năm gây sạt lở nghiêm trọng khiến toàn bộ tường rào, trụ cổng sụp đổ. Còn chánh điện ngôi miếu Bà đang có nguy cơ tiếp tục đổ sụp trong không lâu nữa nếu không có giải pháp gia cố, khắc phục.

Bà Hoàng Thị Nga mong muốn, sau khi hoàn thành 6.000 m2 đê phòng, chống xói lở trong dự án, các ngành chức năng tiếp tục khẩn trương triển khai thi công khắc phục đoạn sạt lở khoảng 790 m còn lại, sớm đưa vào sử dụng, bảo đảm phục vụ sản xuất và đời sống, giúp người dân địa bàn khó khăn ở đầu sóng, ngọn gió nơi đây sớm an cư lạc nghiệp.

Bí thư Đảng ủy xã Phú Tân Nguyễn Trung Hòa đang kỳ vọng với sự đầu tư kinh phí khắc phục một cách căn cơ, kết hợp giữa phòng chống sạt lở với gây bồi, tạo bãi và trồng cây gây rừng bảo vệ môi sinh, môi trường giúp địa phương ứng phó biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, giảm nhẹ thiên tai.

Nguồn bài viết