Gà trống là linh vật phong trào hiến máu tình nguyện của Việt Nam

2 năm trước 221
Chú thích ảnhBan tổ chức trao giải Nhất cho tác giả Nguyễn Ngọc Ánh (Đông Anh, Hà Nội) đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế linh vật hiến máu. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, gà trống là biểu tượng cho văn hóa, sức mạnh, Đức - Trí - Dũng và đem lại nhiều điều may mắn, cát tường, giữ được thế vững vàng, chủ động trong công việc, cuộc sống. Linh vật hiến máu tình nguyện với biểu tượng gà trống kỳ vọng mang đến sức khỏe cũng như những điều tốt đẹp nhất đến với người hiến máu và người nhận máu. 

Linh vật "Gà trống" được tạo hình với thân và mào dưới là hình giọt máu căng tràn, thể hiện cho những đơn vị máu được hiến tặng luôn đầy ắp, dồi dào. Mào của gà trống được cách điệu thành hình trái tim màu đỏ, thể hiện tấm lòng nhân ái, tình yêu thương đồng loại luôn được đặt lên hàng đầu.

Chân gà trống mang đôi giày hình giọt máu với ngụ ý những giọt máu hiến tặng đã, đang và sẽ đi khắp mọi miền để đến với những người bệnh cần máu. Ngôi sao vàng trên nền đỏ mang hình ảnh lá Quốc kỳ, khẳng định tinh thần Việt Nam luôn đoàn kết, vị tha và cao thượng, dù ở đâu cũng chung một dòng máu Việt.

Đường cong ngăn giữa phần trắng và đỏ tạo nên biểu tượng âm – dương, tượng trưng cho người hiến máu và người nhận máu. Người cho và người nhận kết nối với nhau tạo nên sự gắn kết cộng đồng…

Tác giả của linh vật "Gà trống" – Nguyễn Ngọc Ánh hiện là sinh viên Khoa Đồ họa, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Chia sẻ về ý tưởng xây dựng linh vật "Gà trống", Ngọc Ánh cho biết, xuất phát từ suy nghĩ, tiếng gáy của gà trống báo hiệu cho một ngày mới bắt đầu, như báo hiệu những điều tươi tốt, sức sống mới, mở ra hy vọng cho cuộc sống. Điều đó cũng giống khi hiến máu và truyền máu là chúng ta đang trao đi hy vọng và sức sống mới cho người khác nên Ánh quyết định chọn "Gà trống" làm linh vật.

Cuộc thi Thiết kế linh vật hiến máu tình nguyện được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương tổ chức từ tháng 12/2021 đến tháng 2/2022. Cuộc thi nhằm tìm kiếm một linh vật đại diện cho hoạt động hiến máu trên cả nước; góp phần tích cực vào việc tuyên truyền, quảng bá, lan tỏa hoạt động hiến máu tình nguyện tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng, từ các nhà thiết kế, hoạ sĩ chuyên nghiệp, không chuyên trên cả nước. Gần 200 tác phẩm của 175 thí sinh đến từ 12 tỉnh, thành phố gửi dự thi, trong đó có nhiều tác phẩm chất lượng, sáng tạo, độc đáo được các chuyên gia đánh giá cao.

Kết quả, Ban Tổ chức trao giải Nhất cho tác phẩm "Gà trống" của tác giả Nguyễn Ngọc Ánh (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội), đây cũng là tác phẩm được lựa chọn là Linh vật hiến máu tình nguyện của Việt Nam. Ban Tổ chức cũng trao hai giải Nhì, hai giải Ba cho các tác phẩm xuất sắc khác.

Phong trào hiến máu tình nguyện nước ta chính thức được khởi động từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 1994, cả nước mới tiếp nhận được 138.000 đơn vị máu; chỉ 15% trong số đó là từ người hiến máu tình nguyện. Đến năm 2000, toàn quốc tiếp nhận được 236.740 đơn vị máu; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 30,8%; gần 90% người hiến máu là học sinh, sinh viên.

Ngày 7/4/2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện, đồng thời lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện. Đây là bước ngoặt quan trọng cho phong trào hiến máu tình nguyện, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động đối với các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân.

Nhờ đó, lượng máu tiếp nhận và tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng nhanh hàng năm. Hơn hai năm qua, dù dịch COVID-19 xuất hiện và lan rộng, hoạt động hiến máu tình nguyện vẫn được duy trì đều đặn, an toàn, hiệu quả với những biện pháp tổ chức linh hoạt, sáng tạo. Năm 2021, cả nước vận động và tiếp nhận được hơn 1,3 triệu đơn vị máu; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%; tỷ lệ người dân tham gia hiến máu là 1,4% dân số.

Nguồn bài viết