Người dân bức xúc khi bến đò ngang Cần Thơ - Vĩnh Long lúc hoạt động, lúc dừng

6 tháng trước 78
Chú thích ảnhMột chuyến đò ngang sông Hậu từ Cần Thơ qua thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), giúp người dân rút ngắn hơn 15 km nếu đi vòng qua cầu Cần Thơ. Ảnh: TTXVN phát

Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN, từ sáng nay, bến đò ngang nằm trên đường Trần Phú (phường Cái Kế, quận Ninh Kiều) đã vận chuyển hành khách từ Cần Thơ sang thị xã Bình Minh và ngược lại. Mỗi chuyến đò xuất phát từ bờ Bình Minh có hàng chục hành khách cùng xe máy, xe đạp. Đây chủ yếu là những người lao động qua Cần Thơ mưu sinh hàng ngày bằng các nghề như bán vé số, bán bắp, bán xôi, mua ve chai hoặc làm công nhân tại các công ty ở quận Ninh Kiều và quận Bình Thủy.

Trước đó, chủ bến đò ngang Cần Thơ - thị xã Bình Minh (Vĩnh Long) đã thông báo dừng hoạt động từ trưa 3/5 do không đảm bảo các điều kiện để cấp phép mới. Đến ngày 4/5, Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều cho phép bến tiếp tục hoạt động đến ngày 30/6, bằng thời gian với giấy phép của bến bên phía thị xã Bình Minh. Tuy nhiên, đến trưa qua (6/5), bến đò phải dừng hoạt động lần thứ hai, 3 chiếc đò tải trọng 90 - 110 tấn phải neo đậu tại bến. Điều này khiến hàng trăm khách ùn ứ hai đầu bến rất bức xúc.

Sau khi nghe chủ bến giải thích, nhiều người đi xe máy đi vòng qua cầu Cần Thơ, xa khoảng 15 km. Nhiều người đi bộ, xe đạp điện hành nghề bán bắp, xôi, vé số, mua ve chai… phải ngồi chờ đò hoạt động lại để về nhà.

Để qua sông, người dân chỉ có thể sử dụng những chiếc xuồng máy tải trọng nhỏ, mỗi chiếc chở khoảng 5 - 7 người và vài chiếc xe đạp. Chủ xuồng từ phía thị xã Bình Minh đưa phương tiện sang bờ Cần Thơ đón những hành khách đang bị kẹt với giá 10.000 đồng đối với khách đi bộ, 15.000 - 20.000 đối với người đi xe đạp có chở hàng hóa. Những chiếc xuồng này cũng không được trang bị áo phao, rất nguy hiểm khi vượt sông Hậu. 

Bà Trần Thị Lan (65 tuổi) cho biết, đi đò nhỏ như hiện nay rất sợ, nhưng bà không đi, cũng không thể đạp xe vòng qua cầu Cần Thơ để về nhà ở thị xã Bình Minh.

Khoảng 17 giờ ngày 6/5, chiếc xuồng nhỏ tải trọng chưa đến một tấn vượt sông Hậu cập bến phía Cần Thơ đón 5 - 6 người cùng xe đạp, giỏ xách hàng hóa rỗng rồi nhanh chóng quay đầu về thị xã Bình Minh.

"Khoảng 12 giờ, sau khi phà dừng hoạt động, tôi lấy xuồng của gia đình chạy đón bà con về Bình Minh, đến giờ được khoảng 5 chuyến", ông Nguyễn Văn Đệ nói và cho biết hành khách trả tiền công 10.000 đồng, nếu có xe đạp thêm 15.000 đồng đối với mỗi chuyến 4 - 6 người cùng 3 - 4 xe đạp.

Chú thích ảnhDù biết nguy hiểm nhưng những người lao động nghèo không còn cách nào khác là đi trên những chiếc thuyền gỗ nhỏ để vượt sông Hậu khi phà neo tại bến phía bờ Cần Thơ bị ngưng hoạt động trưa 6/5. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Theo người quản lý bến đò ngang phía bờ quận Ninh Kiều, ngày 4/6, Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều có văn bản chấp thuận cho hoạt động tạm đến hết 30/6, trùng với thời gian hết hạn giấy phép của bến đối lưu phía thị xã Bình Minh. Tuy nhiên, đến trưa 6/5, bến đò phải dừng vận chuyển khách qua sông theo yêu cầu của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, Công an thành phố Cần Thơ.

"Lực lượng làm nhiệm vụ của Cảnh sát giao thông đường thủy cho biết văn bản Phòng Quản lý Đô thị không có hiệu lực đối với vụ việc này mà phải là văn bản của UBND quận Ninh Kiều", người quản lý bến thông tin.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, chủ bến phía Cần Thơ cho biết, bến hoạt động ổn định 13 năm qua. Máy móc, phương tiện, bến bãi, nhân viên, tài công... đều đảm bảo. Mỗi ngày có trên 50 chuyến qua lại; mỗi chuyến chở 20 - 40 xe máy, xe đạp, 30-50 người; giá vé người đi bộ 3.000 đồng, xe đạp 5.000 đồng, xe máy 7.000 đồng mỗi chuyến. Đặc biệt, mỗi ngày có 300 - 400 người bán bánh, xôi, bắp, vé số dạo, mua ve chai và lao động làm việc các công ty, doanh nghiệp ở quận Ninh Kiều, Bình Thủy qua phà.

Trước đây, bến do Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ quản lý và cấp phép, kiểm tra và gia hạn giấy phép định kỳ. Từ giữa năm 2023, bến được chuyển về UBND quận Ninh Kiều quản lý. Tuy nhiên, cuối tháng 1 vừa qua, địa phương cho rằng một số nội dung trong giấy phép đã cấp trước đây không còn phù hợp quy định hiện hành nên không thể gia hạn tiếp.

Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, tại quyết định phân cấp thẩm quyền quản lý bến khách ngang sông trên địa bàn do UBND thành Cần Thơ ban hành 7/9/2023, các bến đã được Sở Giao thông vận tải công bố, công bố lại, gia hạn hoạt động hoặc cấp phép hoạt động trước ngày 14/10/2022 vẫn giữ nguyên giá trị pháp lý. Khi hết thời hạn hoạt động, nếu có nhu cầu hoạt động tiếp thì tổ chức, cá nhân liên hệ UBND quận, huyện để làm thủ tục công bố lại hoặc gia hạn theo quy định.

Về vấn đề này, đại diện Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều cho biết sau khi được giao quản lý, đơn vị rà soát lại và nhận thấy bến phà qua sông Hậu chưa đủ điều kiện pháp lý để cấp phép mới.

Cụ thể, phần diện tích hàng trăm m2 đất và đường vào bến đò ngang hiện vẫn giao cho Công ty cổ phần Quản lý khai thác cầu Cần Thơ. Tuy nhiên, trong phương án của Bộ Giao thông vận tải năm 2014 về việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Quản lý khai thác cầu Cần Thơ không thể hiện diện tích đất này. Do đó, phần đất này vẫn thuộc quyền của Bộ nên hợp đồng giữa công ty và chủ bến đò ngang không đảm bảo tính pháp lý. Ngoài ra, chủ bến cũng không trình được hợp đồng thuê mặt nước để phục vụ hoạt động bến đò với Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định.

Chú thích ảnhNgười dân lên thuyền nhỏ từ phía Cần Thơ để về nhà ở thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) khi bến đò ngưng hoạt động ngày 6/5. Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN

Trước mắt, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân hai bên, nhất là người lao động, buôn bán nhỏ có cuộc sống khó khăn, Phòng Quản lý Đô thị quận Ninh Kiều có văn bản cho bến đò tiếp tục hoạt động đến hết tháng 6, trùng thời gian hết hạn giấy phép của bến bên kia sông phía thị xã Bình Minh (Vĩnh Long). Đồng thời, đề nghị chủ bến sớm hoàn tất hồ sơ pháp lý quận xem xét cấp phép mới cho bến hoạt động theo đúng quy định. Tuy nhiên, sau khi hoạt động lại được hai ngày, bến đò phải tiếp tục dừng hoạt động do yêu cầu của cảnh sát giao thông đường thủy với lý do trên.

Ngày 7/5, UBND quận Ninh Kiều cũng đã có văn bản trả lời đề nghị cấp giấy phép hoạt động của bến đò ngang từ thành phố Cần Thơ qua thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Theo đó, tạo điều kiện để bến đò hoạt động đến ngày 30/6/2024.

Trong văn bản của UBND quận Ninh Kiều, quá trình thụ lý, thẩm định hồ sơ, Phòng Quản lý đô thị quận Ninh Kiều nhận thấy hồ sơ của bà Nguyễn Thị Lệ Thủy chưa đầy đủ và đáp ứng theo quy định, nên chưa đủ điều kiện tham mưu UBND quận xem xét gia hạn hoạt động bến khách ngang sông Bến đò Cần Thơ qua thị xã Bình Minh - Vĩnh Long.

Tuy nhiên, bến khách ngang sông bên bờ thị xã Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long) vẫn còn thời hạn hoạt động đến ngày 30/6/2024. Do đó, để tạo điều kiện cho người dân hai bên đi lại được thuận tiện và đồng bộ với với thời gian hoạt động của bến đò phía thị xã Bình Minh, UBND quận Ninh Kiều sẽ gia hạn thêm thời gian hoạt động cho bến khách ngang sông này đến ngày 30/6/2024.

Trong thời hạn này, UBND quận Ninh Kiều đề nghị bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, là chủ bến bổ sung đầy đủ các thủ tục, giấy phép theo đúng quy định để được xem xét, giải quyết theo quy định.

Trong thời gian chờ giải quyết, các hoạt động đối lưu vận chuyển khách đảm bảo tuân thủ các quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa và các quy định pháp luật hiện hành.

Nguồn bài viết