Dự án Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh: Giá đất bồi thường cao nhất là hơn 73 triệu đồng/m2

1 năm trước 97
Chú thích ảnhPhối cảnh cầu Nhơn Trạch thuộc đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Công Phong/TTXVN

Thành phố Thủ Đức có các vị trí có mức giá bồi thường cao nhất trong 4 địa phương. Giá đền bù cao nhất là đường Nguyễn Duy Trinh tại vị trí 1 là 73,3 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 51,1 triệu đồng/m2. Trên đường Nguyễn Xiển, vị trí 1 là gần 70 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 52,5 triệu đồng/m2.

Tại huyện Hóc Môn, giá đền bù cao nhất thuộc vị trí 1 đường Nguyễn Văn Bứa với giá đất bồi thường gần 35,6 triệu đồng/m2, vị trí 1 Quốc lộ 22 là 33,1 triệu đồng/m2. Đối với đất tái định cư cho dự án Vành đai 3, giá đất cao nhất gần 26 triệu đồng/m2.

Khu vực huyện Củ Chi, giá đền bù cao nhất là trên 19 triệu đồng thuộc vị trí 1 các đường Tỉnh lộ 15, đường Võ Văn Bích, đường Hà Duy Phiên. Đơn giá bán nền tái định cư tại huyện Củ Chi có giá từ hơn 13 triệu đồng/m2 đến gần 18 triệu đồng/m2.

Huyện Bình Chánh, giá đất đền bù cao nhất là tại vị trí 1 đường Trần Văn Giàu với mức 42,69 triệu đồng/m2, khu vực bên trong vị trí 1 đường này có giá 34,1 triệu đồng/m2. Với đất tái định cư thuộc khu tái định cư An Hạ, giá đất cao nhất hơn 14,2 triệu đồng/m2.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hệ số điều chỉnh giá đất để tính bồi thường, hỗ trợ áp dụng đối với nhà đất có giấy tờ hợp pháp, hợp lệ, đủ điều kiện để bồi thường về đất. Giá đất để tính trừ nghĩa vụ tài chính đối với hộ gia đình, cá nhân chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính áp dụng theo quy định hiện hành.   

Mức hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất là K’= 2,5 lần đối với đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất quy định tại Quyết định số 02/2020/QĐ-UBND ngày 16/1/2020 của UBND Tp. Hồ Chí Minh (Hệ số K’ nêu trên không được tính 150% theo Điều 3 của Quyết định này).

Dự án xây dựng đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh có tổng chiều dài 76,34 km đi qua địa bàn TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An với 8 dự án thành phần, mỗi địa phương thực hiện 2 dự án thành phần bao gồm xây lắp và giải phóng mặt bằng. 

Tổng mức đầu tư của dự án là 75.378 tỷ đồng; tổng diện tích giải toả hơn 397 ha, với khoảng 1.670 trường hợp bị ảnh hưởng. Theo kế hoạch, dự án sẽ khởi công vào tháng 6/2023 và hoàn thành, thông xe một phần vào năm 2025.

Nguồn bài viết