Để tiếp tục đẩy nhanh thực hiện hiệu quả chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện, địa phương đang tập trung phát huy tính chủ động, sáng tạo và huy động hiệu quả mọi nguồn lực tham gia chuyển đổi số.
Cán bộ Điện lực Nho Quan thu thập số liệu tự động trên máy tính từ công tơ điện tử đo xa.Phát triển hạ tầng số, nền tảng số
Trong quá trình tăng tốc, Ninh Bình xác định muốn phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đòi hỏi phải có hạ tầng số. Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn hiện đã cơ bản đáp ứng được nhiệm vụ xây dựng Chính quyền điện tử, phát triển Chính quyền số và Chuyển đổi số. Trong đó, 100% cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã đã thiết lập mạng nội bộ (LAN) để kết nối các máy tính trong nội bộ cơ quan, đơn vị phục vụ ứng dụng các phần mềm chuyên ngành, các hệ thống thông tin của tỉnh; 100% công chức tại các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và khoảng 85% tại cấp xã có máy tính sử dụng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng đã được triển khai cho 197 cơ quan Đảng, nhà nước trên địa bàn.
Hạ tầng mạng viễn thông của tỉnh đã phủ rộng đến các thôn, xã đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Qua đó, đáp ứng nhu cầu ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ số của người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 100% khu vực trung tâm các xã có sóng di động 4G và mạng internet băng rộng cáp quang triển khai đến 100% trung tâm các xã, phường, thị trấn.
Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã và đang tiếp tục được đầu tư, mở rộng để đáp ứng các yêu cầu kết nối giữa các hệ thống thông tin của tỉnh với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của quốc gia (NGSP). Đến nay, nền tảng đã phát huy được hiệu quả với số lượng giao dịch đạt 125.404 lượt; trong đó, dịch vụ công là 114.055 thủ tục, tăng hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2021; số văn bản liên thông với các bộ, ngành là 11.349 văn bản, tăng 118% so với cùng kỳ năm 2021. Địa phương đã triển khai Nền tảng sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn để hỗ trợ người dân, các hộ sản xuất nông nghiệp đưa sản phẩm lên sàn quảng bá, giao dịch, bán sản phẩm. Nền tảng định danh và xác thực điện tử (VN-eID) được Công an tỉnh triển khai, hiện đã cấp khoảng 63.414 tài khoản cho công dân.
Thời gian tới, để phát triển hạ tầng số, nền tảng số, tỉnh tiếp tục đầu tư, nâng cấp hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, mạng di động 4G/5G, mạng truyền số liệu chuyên dùng đảm bảo hiện đại, đồng bộ phục vụ phát triển chính quyền số, chuyển đổi số và đảm bảo an toàn thông tin tại các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh tiếp tục hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh để đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ giữa cơ cơ sở dữ liệu Quốc gia, cơ sở dữ liệu các bộ, ngành với dữ liệu các sở, ngành, địa phương của tỉnh. Qua đó tạo ra dữ liệu lớn của tỉnh phục vụ cho phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, tỉnh cũng triển khai thử nghiệm Nền tảng quản trị tổng thể theo hướng sử dụng một nền tảng quản trị công việc tổng thể thống nhất trong phạm vi toàn tỉnh…
Quyết tâm chuyển đổi số
Ngay trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ninh Bình đã xác định "Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số" là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là một trong ba khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển.
Năm 2022, tỉnh phấn đấu 100% thôn, bản, làng, khu phố trên địa bàn được thiết lập mạng lưới tổ công nghệ số cộng đồng, hỗ trợ cho ít nhất 60% các hộ sản xuất nông nghiệp được tập huấn, hướng dẫn đăng ký, sẵn sàng sử dụng sàn thương mại điện tử; 50% số hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản bán hàng, mở gian hàng số trên sàn thương mại điện tử và có tài khoản thanh toán điện tử; 50% trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác... Đến năm 2025, Ninh Bình hoàn thành các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử và cơ bản hình thành chính quyền số, hoàn thành các nền tảng cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số của tỉnh.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu với tỉnh triển khai các nhóm nhiệm vụ giải pháp xây dựng, phát triển và hoàn thiện nền tảng chuyển đổi số trên cả ba lĩnh vực trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, trọng tâm là hoàn thiện nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu đáp ứng các yêu cầu kết nối, liên thông dữ liệu nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu Quốc gia và xây dựng Trung tâm giám sát điều hành thông tin tỉnh Ninh Bình. Đồng thời, Sở sẽ triển khai xây dựng mô hình thí điểm chính quyền số tại một số đơn vị cấp huyện, cấp xã và một số sở, ngành; thí điểm chuyển đổi số trong quản lý, hoạt động tại một số đơn vị trường học, cơ sở y tế và lấy kết quả, kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh.
Thời gian tới, Ninh Bình tập trung phát triển thị trường thương mại điện tử; doanh nghiệp công nghệ số; triển khai hỗ trợ các gói giải pháp thông minh cho các doanh nghiệp; phát triển ứng dụng nền tảng số phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai các chương trình xúc tiến thương mại điện tử và các hoạt động liên quan; hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất ngành nghề truyền thống chuyển đổi sang sản xuất trên nền tảng số, môi trường số…
Đối với phát triển xã hội số, tỉnh sẽ thu hút đầu tư phát triển các dịch vụ khu đô thị thông minh phù hợp và khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội tại địa phương; triển khai hệ thống quản lý chăm sóc sức khỏe từ xa, xây dựng hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử; phát triển các ứng dụng dịch vụ giao thông thông minh trong việc quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện vận tải và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ số dịch vụ thông minh về tài nguyên môi trường, dịch vụ giáo dục thông minh trên nền tảng số.
Tại buổi làm việc mới đây về công tác xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chuyển đổi số năm 2022 và những năm tiếp theo với Đoàn công tác của Bộ Thông tin và Truyền thông, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình khẳng định, là một trong những địa phương thí điểm về chuyển đổi số trong cả nước, tỉnh xác định rõ trách nhiệm, cơ hội và quyết tâm để thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong các năm 2021 và 2022, Ninh Bình đều bố trí nguồn ngân sách 150 tỷ đồng, chiếm hơn 1% tổng chi cân đối ngân sách địa phương để thực hiện chuyển đổi số, gấp 3 lần so với năm 2020. Chủ trương nhất quán cùng sự chỉ đạo, điều hành tập trung, quyết liệt đã tạo động lực để việc ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của tỉnh có những bước tiến quan trọng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, học tập nhằm nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về sự cần thiết, tính cấp thiết của chuyển đổi số, tỉnh tiếp tục quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách gắn với phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số và huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng số đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Đồng thời, địa phương tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong quá trình chuyển đổi số…
Thông qua việc huy động cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc quyết liệt thực hiện đồng bộ các giải pháp, tỉnh Ninh Bình đang hướng đến mục tiêu hoàn thành chuyển đổi số đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển phát triển bền vững.