Du lịch trên quê hương Hòn Kẽm – Đá Dừng

1 năm trước 76
Chú thích ảnhNông Sơn vào Xuân.

Ưu tiên nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông, hạ tầng du lịch; hỗ trợ và vận động người dân làm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái - văn hóa; nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và học tập, nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển bền vững, đa dạng hóa sản phẩm du lịch Xanh... là những mục tiêu quan trọng đang được huyện miền núi Nông Sơn của tỉnh Quảng Nam quyết tâm thực hiện.

Hạ tầng đi trước một bước

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa chia sẻ: Để từng bước xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, huyện chú trọng huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn đầu tư của Trung ương và của tỉnh để xây dựng các công trình thiết yếu phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, tạo được sự đồng thuận trong xã hội. Đến nay, tất cả các địa phương trong huyện đều có đường bê tông đến tận thôn xóm, khu dân cư, thế cô lập ở những làng xa xôi cách trở đã được xóa bỏ hoàn toàn. Lưới điện quốc gia cũng đã phủ kín đến từng thôn xóm.

Đặc biệt, cầu Nông Sơn mới được xây dựng, đáp ứng mục tiêu kết nối thông suốt tuyến quốc lộ 14H với đường Trường Sơn Đông, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương. Cầu Nông Sơn mới hoàn thành đã giải quyết việc đi lại cho các phương tiện được thuận lợi, từ nay các phương tiện đi qua cầu không còn phải bị hạn chế tải trọng, tạo thêm một lựa chọn tuyến đường để lưu chuyển hàng hóa mà lâu nay không thực hiện được do bị hạn chế bởi cầu cũ bị xuống cấp.

Chú thích ảnh Đường về Nông Sơn hôm nay.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, hiện tại và những năm tiếp theo, Nông Sơn sẽ tập trung nhiều nguồn lực, đồng thời kiến nghị mở rộng tuyến đường Quốc lộ 14 H đoạn từ xã Quế Trung, huyện Nông Sơn đi xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên; đầu tư tuyến đường từ thôn Đại Bình, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn đi xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc và nhiều tuyến giao thông quan trọng khác để nâng cao khả năng kết nối, phát triển thương mại, du lịch và dịch vụ.  

Trong năm 2022, Nông Sơn đã huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển, đầu tư các công trình trọng điểm trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình đầu tư công, nhất là công trình chuyển tiếp từ năm trước, đảm bảo chất lượng, mỹ thuật công trình, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huyện Nông Sơn sẽ tiếp tục phát huy vai trò của chủ thể trong xây dựng NTM, chú trọng lồng ghép nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng các hạng mục giao thông nông thôn, phục vụ xây dựng NTM. Địa phương nỗ lực khai thác tối đa, sử dụng hiệu quả nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư trong xây dựng NTM, đưa Nông Sơn đạt chuẩn huyện NTM vào năm 2025.

Kỳ vọng với sản phẩm du lịch độc đáo

Ông Nguyễn Quang Soạn, chủ “Khu vườn ông Bảy” chia sẻ, những năm qua, nhờ xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch mà Đại Bình khởi sắc. Làng sinh thái Đại Bình có cảnh quan nhà vườn đẹp, nhiều loại cây trái đặc trưng với lịch sử hình thành hơn 300 năm đang đổi thay từng ngày.

“Từ khi địa phương vận động xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch sinh thái, gia đình tôi đã chỉnh trang lại tường rào, cổng ngõ, bỏ nhiều công sức để chăm sóc vườn cây ăn trái. Không riêng gia đình tôi, nhiều gia đình khác đã mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, chuyển sang trồng các loại trái cây bản địa đặc trưng như bưởi trụ Đại Bình, hường, cam, quýt, mãng cầu và trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương”, ông Nguyễn Quang Soạn chia sẻ.

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho biết: Làng Đại Bình đã được tỉnh chọn là một trong hai làng tham gia thí điểm phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu trở thành làng du lịch cộng đồng sinh thái, làm điểm nhấn để lan tỏa các điểm đến khác như làng Cà Tang, Tý, Sé, Dùi Chiêng, Hòn Kẽm Đá Dừng, Lăng Bà Thu Bồn, Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn.

Chú thích ảnhMột góc Làng du lịch Đại Bình.

Để tiếp sức cho làng du lịch sinh thái Đại Bình, ngoài nguồn vốn đầu tư trên 30 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, huyện Nông Sơn còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng cao. Trong đó, sẽ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng cho cán bộ quản lý, người lao động và cộng đồng dân cư tham gia hoạt động du lịch, người dân trực tiếp hưởng lợi từ các hoạt động du lịch, tiến tới xây dựng làng du lịch sinh thái Đại Bình trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách với nhiều sản phẩm du lịch độc đáo.

Đến từ TP Hồ Chí Minh, chị Lâm Hòa An cùng gia đình đã có những ngày trải nghiệm thú vị ở làng du lịch Đại Bình và thắng cảnh Hòn Kẽ - Đá Dừng. Chị An chia sẻ: Từ những tour du lịch cộng đồng, cùng ăn ở, làm vườn, tham quan các mô hình ký ức Đại Bình, thưởng thức những món ăn đặc sản làng quê, hòa quyện với thiên nhiên trong rừng cây tự nhiên và trải nghiệm với cảm giác bồng bềnh trên thuyền ngược dòng sông Thu Bồn để lên Hòn Kẽm - Đá Dừng là những sản phẩm du lịch độc đáo cần được giữ gìn và phát triển.

“Từ những tour du lịch trải nghiệm, ăn ở, làm vườn, tham quan các mô hình ký ức Đại Bình; tận hưởng những món ăn đặc sản làng quê, những loại trái cây và món ăn đặc trưng, du khách cùng hòa quyện với thiên nhiên trong rừng cây cổ thụ tự nhiên, du thuyền ngược dòng sông Thu Bồn lên Hòn Kẽm - Đá Dừng. Với hướng phát triển mới mẽ này, Thời gian sắp tới, huyện sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch theo hướng sinh thái, trải nghiệm, du lịch xanh dựa trên cơ sở phát huy giá trị của tài nguyên du lịch hiện có. Trong đó, trọng tâm đầu tư xây dựng và phát triển làng Đại Bình theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng, trở thành điểm trung tâm, sau đó lan tỏa ra các điểm tiềm năng khác. Hoàn thiện đề án thu hút đầu tư khai thác một số điểm du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn loài, sinh cảnh voi gắn với việc gìn giữ, bảo tồn đa dạng sinh học”, Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết thêm.

Phát triển mạnh kinh tế vườn kết hợp với trang trại, gia trại, trồng cây nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến, cây ăn quả, tăng thu nhập và nâng cao đời sống nhân dân được Nông Sơn xác định là hướng tiếp cận cụ thể để giảm nghèo bền vững. Trong những năm qua, Nông Sơn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng hỗ trợ người dân mua các loại giống cây trồng, vật nuôi, trang thiết bị máy móc để phát triển các vườn cây ăn trái. Nhờ vậy, đến nay huyện Nông Sơn có 2.825 vườn với tổng diện tích hơn 350ha. Đây là nguồn tài nguyên có giá trị lớn, góp phần làm nên các sản phẩm du lịch của Nông Sơn trong tương lai không xa.

Chú thích ảnhNhiều sản phẩm du lịch Xanh bên dòng sông Cà Tang thơ mộng.

Bảo tồn văn hóa để phát triển bền vững thương hiệu du lịch Xanh

Nhiều lần về thăm và làm việc với huyện Nông Sơn, ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam nhấn mạnh: Nông Sơn là địa bàn có vị trí chiến lược, có điều kiện liên kết với các trung tâm du lịch, các điểm du lịch Duy Xuyên, Hội An, tiếp nối với đường Trường Sơn Đông. Nông Sơn còn có nhiều địa danh, cảnh đẹp nổi tiếng, còn lưu giữ màu sắc lễ hội văn hóa, tâm linh. Vì vậy, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phát huy tinh thần giàu lòng mến khách trong nhân dân. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh, có giải pháp cụ thể, quyết liệt, hấp dẫn hơn để xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng riêng, thu hút nhiều du khách đến với Nông Sơn.

"Để làm được điều này, Nông Sơn cần tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nhân dân xây dựng và nâng cao hiệu quả vùng sản xuất nguyên liệu; nhân rộng vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, giảm diện tích trồng keo. Bảo tồn giá trị thương hiệu vùng trồng cây ăn quả bản địa gắn với đặc trưng riêng của làng văn hóa Đại Bình, xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng; tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với tiêu thụ các mặt hàng nông sản bản địa", Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Quảng Nam Lê Văn Dũng gợi ý.

Chú thích ảnhDu lịch Xanh tại làng du lịch Đại Bình, huyện Nông Sơn luôn thu hút lượng lớn du khách.

Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa cho biết: Nông Sơn đã và đang tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, liên kết với nhân dân xây dựng và nâng cao hiệu quả vùng sản xuất nguyên liệu, nhân rộng vùng sản xuất cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, bảo tồn giá trị thương hiệu vùng trồng cây ăn quả bản địa gắn với đặc trưng riêng của làng văn hóa Đại Bình, xây dựng sản phẩm OCOP đặc trưng, đồng thời tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch gắn với tiêu thụ các mặt hàng nông sản bản địa, tăng thu nhập cho người dân.

Theo Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, thế mạnh trong du lịch của địa phương sẽ được khai thác một cách hiệu quả và bền vững: “Trong quá trình khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch, chúng tôi sẽ quan tâm đến công tác bảo tồn giá trị các tài nguyên, bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái, hạn chế tối đa việc tác động nhân tạo làm thay đổi hoặc mất đi nét đặc trưng của từng điểm du lịch. Những phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh và lễ hội... có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch xanh. Phát triển các nhóm sản phẩm du lịch: tham quan, tìm hiểu; nghiên cứu lịch sử, văn hóa, con người, thiên nhiên; trải nghiệm đời sống văn hóa, lao động, sản xuất; du lịch tâm linh; cải tạo, phát triển các vườn cây trái theo hướng xanh-sạch-đẹp gắn với cảnh quan làng quê. Du lịch trên quê hương Hòn Kẽm - Đá Dừng đang đứng trước nhiều vận hội mới để nâng tầm và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Xanh".

"Với hướng phát triển mới mẽ này, thời gian sắp tới, huyện sẽ tập trung đầu tư phát triển du lịch theo hướng sinh thái, trải nghiệm, du lịch xanh, dựa trên cơ sở phát huy giá trị của tài nguyên du lịch hiện có. Trong đó, trọng tâm đầu tư xây dựng và phát triển làng Đại Bình theo hướng du lịch sinh thái cộng đồng, trở thành điểm trung tâm, sau đó lan tỏa ra các điểm tiềm năng khác. Hoàn thiện đề án thu hút đầu tư khai thác một số điểm du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn loài, sinh cảnh voi gắn với việc gìn giữ, bảo tồn đa dạng sinh học. Du lịch trên quê hương Hòn Kẽm - Đá Dừng đang đứng trước nhiều vận hội mới để nâng tầm và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Xanh", Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn Nguyễn Văn Hòa kỳ vọng.

Nguồn bài viết