Doanh nghiệp nước ngoài đề xuất giải pháp giúp TP Hồ Chí Minh tăng thu hút đầu tư

2 năm trước 215

Trên đây là nội dung được nhiều hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nhấn mạnh tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh với các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài do UBND TP Hồ Chí Minh tổ chức tối 20/5.

Nhiều kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư

Chú thích ảnhBà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) phát biểu tại hội nghị. 

Bà Mary Tarnowka, Giám đốc Điều hành Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham Vietnam) cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ tin rằng TP Hồ Chí Minh có thể tiếp tục thu hút và tăng trưởng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao, đồng thời phát triển nền kinh tế dịch vụ, đặc biệt là nền kinh tế số, dịch vụ tài chính và chăm sóc sức khoẻ. Yếu tố quan trọng đối với cả lĩnh vực sản xuất và dịch vụ này sẽ là xây dựng một cơ sở hạ tầng để tăng trưởng bền vững và đào tạo lực lượng lao động mang tính cạnh tranh toàn cầu.

Việt Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế phía Nam, vẫn hấp dẫn đối với đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giá trị cao do vị trí địa lý gần với thị trường nguồn và thị trường tiêu dùng, sự hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thông qua mạng lưới các hiệp định thương mại tự do, hệ thống chính trị ổn định và lực lượng lao động trẻ, hiểu biết về công nghệ.

Các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao cam kết của Việt Nam trong việc chung sống an toàn với dịch COVID-19 và hoan nghênh việc tái mở cửa hoạt động du lịch quốc tế gần đây. Việc tăng cường khả năng di chuyển sẽ giúp ngành du lịch và khách sạn được phục hồi, nói rộng hơn là cả nền kinh tế.

Ở góc độ vĩ mô, vấn đề mà TP Hồ Chí Minh cần chú trọng là đảm bảo một môi trường pháp lý tích cực, không chỉ để thu hút đầu tư mới mà còn tăng trưởng đầu tư hiện có ở đây. Các nhà đầu tư quan tâm việc tạo ra một hệ thống quy định công bằng, minh bạch, có thể dự đoán và hiệu quả, coi trọng sự đổi mới. Nghĩa là TP Hồ Chí Minh cần tiếp tục cải cách hành chính, tinh giản các quy định, triển khai nhiều quy trình phê duyệt điện tử hơn, đảm bảo tính ổn định và nhất quán trong các quy hoạch tổng thể, giúp việc gia hạn giấy phép đầu tư và phê duyệt mở rộng đầu tư diễn ra suôn sẻ, để Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng có thể giữ chân và thu hút đầu tư trong môi trường toàn cầu ngày càng cạnh tranh.

Ông Shon Young Il, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại miền Trung và Nam Việt Nam (KOCHAM) nêu vấn đề: TP Hồ Chí Minh được dự đoán sẽ có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng giao thông, bắt đầu từ việc khai trương tuyến Metro số 1 sắp tới. Tuy nhiên, tốc độ hoàn thiện hệ thống kho vận của Cảng Cát Lái, đơn vị phụ trách kho vận của TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam dường như vẫn còn chậm chạp.

Các doanh nghiệp, nhà đầu tư mong thành phố quan tâm hơn đến việc nâng cấp cơ sở hạ tầng hậu cần lên một tầng cao hơn, chẳng hạn như vận hành hệ thống giao thông linh hoạt thông qua hệ điều khiển bằng trí tuệ nhân tạo thay vì hệ thống giao thông thống nhất; mở rộng các tuyến đường cao tốc liên vùng tạo thuận tiện lưu thông hàng hóa cho các doanh nghiệp.

Một vấn đề khác mà các nhà đầu tư Hàn Quốc tại TP Hồ Chí Minh quan tâm là sự tăng trưởng của các công ty sản xuất linh kiện tại TP Hồ Chí Minh và khu vực phía Nam. Sau những ứng phó thành công của Việt Nam với đại dịch COVID-19, các công ty sản xuất toàn cầu một lần nữa quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là khu vực TP Hồ Chí Minh. Khi các công ty sản xuất này vào TP Hồ Chí Minh và các khu vực phía Nam, để có thể hiện thực hóa quan hệ đối tác đôi bên cùng có lợi thì cần có một tiêu chuẩn nhất định đối với các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện. Do đó, nếu chính sách nuôi dưỡng ngành sản xuất linh kiện của TP Hồ Chí Minh được thực hiện tích cực hơn nữa thì hiệu quả kinh tế sẽ nhanh chóng được thực hiện.

Trong khi đó, ông Jean Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) khuyến nghị, tất cả các sở ngành của TP Hồ Chí Minh; trong đó có Sở Công Thương xem xét việc sử dụng chữ ký số cho tất cả các văn bản hành chính và quy trình. Thực tiễn hiện nay tại doanh nghiệp cho thấy không phải tất cả các quy trình đều được phép sử dụng chữ ký số trong khi chữ ký này có cùng giá trị pháp lý trong việc ký kết các văn bản liên quan đến chứng từ hải quan xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, EuroCham cũng kiến nghị TP Hồ Chí Minh chủ động đi đầu trong việc phát triển bền vững bằng cách xây dựng các công trình xanh; xây dựng chính sách khuyến khích phát triển các tòa nhà tiết kiệm năng lượng; áp dụng các giải pháp quy hoạch, kiến trúc, vật liệu, kỹ thuật và quản lý dự án nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

TP Hồ Chí Minh cam kết đồng hành

Chú thích ảnhChủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội nghị. 

Thông tin về định hướng và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư giới thiệu sơ bộ 197 dự án mời gọi đầu tư của thành phố. Với những dự án này, thành phố mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) theo hướng chọn lọc, bền vững, chuyển dần từ chiều rộng sang chiều sâu theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, áp dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.

TP Hồ Chí Minh tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư các tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi sản xuất, có sử dụng công nghệ cao, có thế mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển; các nhà đầu tư mạnh về tài chính, có công nghệ mới với hàm lượng chất xám cao, thân thiện môi trường. Hay các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học công nghệ cao; ngành kinh tế số, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; ngành công nghệ thông tin; ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

"Để đạt được mục tiêu đó, TP Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) giai đoạn 2021 - 2025; trên cơ sở đó triển khai các giải pháp qua từng năm. Trong năm 2022, thành phố sẽ xây dựng tiêu chí và tiến hành đánh giá năng lực cạnh tranh của các sở, ban, ngành, quận - huyện; thông qua đó nhận diện các điểm nghẽn, các tồn tại, hạn chế để kịp thời có biện pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm mang lại môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, chất lượng cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp", ông Trần Anh Tuấn cho biết.

Các biện pháp cải cách hành chính cũng được TP Hồ Chí Minh thực hiện mạnh mẽ với hệ thống các chỉ tiêu đánh giá cụ thể về chỉ số cải cách hành chính, quản trị dịch vụ công. UBND TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổ chức tháng hành động "Tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính ngay trong ngày" nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách hành chính của thành phố, nâng cao trách nhiệm phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh các chính sách nêu trên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, minh bạch hóa và giải quyết các thủ tục nhanh chóng thuận lợi, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã công khai thông tin về thủ tục hành chính, thông tin rõ ràng về tiến độ giải quyết các từng hồ sơ lên Cổng thông tin Doanh nghiệp thành phố. Qua đó, nhà đầu tư có thể dễ dàng tra cứu tiến độ giải quyết thủ tục hành chính.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cũng tiếp tục thực hiện cam kết việc cắt giảm 30% thời gian giải quyết các thủ tục đăng ký đầu tư so với tổng thời gian theo luật định. Cụ thể, thời gian cấp mới dự án còn 10 ngày so với 15 ngày, điều chỉnh dự án còn 7 ngày so với 10 ngày, thông báo góp vốn/mua cổ phần/phần vốn góp còn 10 ngày so với 15 ngày, nộp trực tuyến được giảm còn 8 ngày.

Chú thích ảnh Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị. 

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, TP Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nước ngoài tại thành phố nói riêng. Năm 2021 là năm khó khăn do dịch bệnh, nhưng qua đó cảm nhận sâu sắc hơn sự chia sẻ đồng hành, quan tâm hợp tác giúp đỡ của cộng đồng của doanh nghiệp nước ngoài tại thành phố. Lãnh đạo thành phố rất coi trọng những cơ hội hợp tác phát triển và cam kết luôn sẵn sàng lắng nghe những khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, giúp doanh nghiệp phát triển kinh doanh, góp phần vào sự phát triển của thành phố. 

"Từ những đề xuất, kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, lãnh đạo và chính quyền thành phố phải hành động nhiều hơn nữa để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình, thời gian, chuyển đổi số để tạo sự thuận lợi hơn, minh bạch hơn. Trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh sẽ hợp tác với các hiệp hội về chuyển đổi số, để đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số và kinh tế số", ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Theo ông Phan Văn Mãi, từ tháng 6/2022 TP Hồ Chí Minh sẽ triển khai một nền tảng số để kết nối với các doanh nghiệp nước ngoài, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp gỡ trực tuyến cung cấp thông tin định hướng; đồng thời ghi nhận góp ý, vướng mắc để giải quyết kịp thời. TP Hồ Chí Minh cũng đang khẩn trương hoàn thành quy hoạch chung của thành phố Thủ Đức để mời gọi đầu tư với mục tiêu đưa Thủ Đức thành động lực mới, thúc đẩy sự phát triển của TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh hợp tác kinh tế, lãnh đạo TP Hồ Chí minh cũng mong muốn tăng cường hợp tác với hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài về văn hóa, xã hội như một phần trong chiến lược phát triển bền vững sau đại dịch.

Nguồn bài viết