Doanh nghiệp lo thưởng Tết cho lao động

2 năm trước 367

Công nhân ngóng thưởng Tết

Chừa đầy tháng nữa là đến Tết Nguyên đán cổ truyền 2022, nhiều lao động vẫn đang chờ thưởng Tết. Anh Hoàng Văn Thạch, công nhân một doanh nghiệp cơ khí tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: Tôi đang ngóng thưởng Tết. Công đoàn đang thảo luận với chủ doanh nghiệp về mức thưởng Tết dựa trên các tiêu về mức độ đóng góp, thi đua…Tôi nghe nói, mức thưởng năm nay cũng giảm hơn so với năm trước vì năm nay không tăng ca nhiều, đơn vị chỉ duy trì đủ công việc cho lao động. Mức thưởng chỉ bằng khoảng 60% so với năm trước, tầm khoảng 3 triệu đồng.

Chú thích ảnhDịp gần Tết, lao động ngóng tiền thưởng Tết. Ảnh: TTXVN

Còn anh Vũ Mạnh Hùng, kỹ sư tại một doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh), cho biết: "Các năm trước, khi chưa dịch bệnh, thưởng Tết khá cao dựa trên hoạt động kinh doanh của đơn vị. Tính cả hệ số thâm niên, chuyên cần, thưởng Tết trên chục triệu đồng và có khi lên tới vài chục triệu đồng dựa trên vị trí làm việc. Cuối năm vừa rồi, công ty vẫn cam kết thưởng Tết nhưng vẫn chưa công bố cụ thể".

Thời điểm này, đã có công ty công bố thưởng Tết nhưng cũng có doanh nghiệp đang cân đối thu chi để sớm công bố mức thưởng Tết. Từ góc độ doanh nghiệp, ông Lê Viết Sỹ, Phó Giám đốc Công ty Imexco Hoàng Long cho biết: Cuối năm, đơn vị vẫn gia tăng tuyển dụng để đáp ứng đơn hàng cuối năm. Để giữ chân lao động, bên cạnh lương thì thưởng Tết cũng được đơn vị quan tâm. Đơn vị vẫn duy trì thưởng tháng lương thứ 13 trên lương căn bản là 5 triệu – 6 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty còn thưởng trên doanh thu. Mức thưởng Tết vẫn được doanh nghiệp duy trì để lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Đây cũng là nỗ lực các doanh nghiệp đang thực hiện nhằm lo cái Tết cho người lao động. Đại diện nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, duy trì lương thưởng Tết cũng là cách để giữ lao động và bù đắp những thiệt thòi, khó khăn mà người lao động bị ảnh hưởng do dịch.

Một giải pháp gắn bó lao động với doanh nghiệp

Ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Chính sách pháp luật (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Qua nắm bắt tại cơ sở, dù đa phần doanh nghiệp khó khăn nhưng vẫn duy trì thưởng Tết các mức khang nhau. Các doanh nghiệp kinh doanh tốt vẫn có mức thưởng tăng. Còn những trường hợp thưởng cao chỉ tập trung vào vài cá nhân, không đại diện cho bức tranh mặt bằng chung. Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp gặp khó khăn mức thưởng sẽ thấp. Còn mức thưởng, đa phần các doanh nghiệp duy trì thưởng Tết trên căn cứ doanh thu, lợi nhuận để duy trì lực lượng lao động, duy trì văn hóa công ty, động viên tinh thần người lao động...

Còn ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết: Trong Bộ luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ năm 2021 không quy định bắt buộc về thưởng Tết và tháng lương thứ 13. Tuy nhiên, đây là khoản thưởng Tết có tính “truyền thống” của Việt Nam nên vẫn được các doanh nghiệp duy trì. Bản chất thưởng Tết dựa trên hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp hoạt động tốt và có lợi nhuận sẽ duy trì thưởng Tết bởi đây cũng là hình thức để lao động gắn bó với doanh nghiệp. Nhìn chung, dựa trên công bố từ các địa phương cho thấy mức thưởng Tết sẽ tương đương tháng lương.

Đại diện Cục Quan hệ lao động và tiền lương (Bộ LĐTBXH) cho biết: Cục có công văn gửi các tỉnh, thành phố để tổng hợp báo cáo tiền lương, thưởng Tết năm 2022. Tuy nhiên, tính đến tuần đầu của năm 2022 vẫn chưa có số liệu cụ thể. Tuy nhiên, từ công bố của các Sở LĐTBXH các địa phương cho thấy mức thưởng Tết vẫn được duy trì. Đơn cử như Sở LĐTBXH Bình Dương công bố mức thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần bình quân 7,2 triệu đồng, cao nhất 300 triệu đồng, thấp nhất 4,4 triệu đồng. So với Tết năm ngoái, mức thưởng Tết cao nhất năm nay tại Bình Dương giảm gần một nửa. Ngoài thưởng Tết, nhiều doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm tiền hoặc quà cho người lao động.

Với TP Hồ Chí Minh, mức thưởng Tết Nguyên đán cao nhất được báo cáo tới Sở LĐTBXH gần 1,3 tỷ đồng. Mức thưởng cao thuộc về các doanh nghiệp ngành điện - điện tử, tài chính - ngân hàng, bảo hiểm; hóa mỹ phẩm; tư vấn bất động sản; công nghệ thông tin; chế biến thực phẩm.

Còn Sở LĐTBXH TP Đà Nẵng công bố số, Mức thưởng cao nhất là hơn 1,4 tỷ đồng thuộc doanh nghiệp dân doanh, thấp nhất là 200.000 đồng. Còn sở LĐTBXH Hà Nội cũng đã công bố mức thưởng Tết Âm lịch cao nhất là 400 triệu đồng. Số liệu khảo sát của Sở LĐTBXH Hà Nội mới chỉ thực hiện từ 6.227 doanh nghiệp trong tổng số hơn 318.000 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội dù chưa bao quát hết, nhưng cho thấy phần nào về bức tranh về thưởng Tết của từng loại hình doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng các doanh nghiệp vẫn trả lương, chế độ lương thưởng Tết cho người lao động để tạo điều kiện lao động gắn bó với doanh nghiệp.

Nguồn bài viết