Diện mạo nông thôn mới ở Hưng Yên

1 năm trước 106
Chú thích ảnhĐường giao thông liên xã tại xã Nhật Tân, huyện Tiên Lữ. Các tuyến đường xã, thôn trong tỉnh đến nay đều được cứng hóa đạt tỷ lệ 100%. Ảnh tư liệu: Thành Đạt/TTXVN

Những miền quê đáng sống

Với cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang giữa những tuyến đường hoa sạch đẹp, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ đang khoác trên mình diện mạo của một miền quê đáng sống. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thay đổi nhanh chóng đời sống bà con nơi đây. Yên Phú vừa được công nhận là 1 trong 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Hưng Yên. 

Ông Vũ Văn Ba ở thôn Mễ Thượng, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ chia sẻ, khi địa phương phát động chương trình xây dựng nông thôn mới, bà con trong xã đều rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ. Bà con luôn có ý thức giữ gìn vệ sinh chung, bảo vệ cảnh quan môi trường, thực hiện nếp sống văn hoá. Nhờ đó mà làng xóm ngày một xanh, sạch, đẹp, tình làng nghĩa xóm đoàn kết. Sống ở làng quê yên bình như vậy ai cũng thấy phấn khởi, tự hào.

Không chỉ riêng xã Yên Phú, về Hưng Yên những ngày này, điểm dễ nhận thấy nhất là những ngôi làng chìm trong không gian xanh - sạch - đẹp với những con đường được trải nhựa, bê tông rộng đẹp. Hạ tầng giao thông nơi đây đã được đầu tư đồng bộ, 100% đường trục chính, đường liên thôn được bê tông hoá. Cùng với đó là những ngôi trường, nhà văn hoá khang trang sạch đẹp.

Được công nhận về đích nông thôn mới năm 2020, Hưng Yên cũng là tỉnh tiêu biểu trong cả nước huy động được nguồn lực lớn trong xây dựng nông thôn mới. Mỗi năm tỉnh huy động 5.000 - 7.000 tỷ đồng cho chương trình này, chủ yếu là sự đóng góp của người dân và các nguồn lực xã hội khác.

Ở khắp các địa phương trong tỉnh, mỗi tuyến đường được hình thành đều có sự chung tay của người dân. Những năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn được người dân trong tỉnh hưởng ứng nhiệt tình. Tại huyện Yên Mỹ, những con đường bê tông kiên cố khắp các thôn xóm, khu vực nội đồng đều có sự đóng góp không nhỏ của người dân. Năm 2022, nhân dân trong huyện đã đóng góp, ủng hộ gần 80 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. 

Bên cạnh đó, các địa phương của huyện Yên Mỹ đã tích cực huy động nguồn lực đầu tư, đặc biệt là nguồn lực từ xã hội hóa. Năm 2022, nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại Yên Mỹ đạt gần 700 tỷ đồng.

Tại huyện Phù Cừ, năm 2022, để hoàn thành các tuyến đường giao thông nông thôn, nhân dân trong huyện đã đóng góp trên 500 triệu đồng, hiến trên 2,5 nghìn m2 đất ở, phá dỡ trên 2,5 nghìn m2 tường rào, trên 400m2 công trình, 165 cây xanh và hàng nghìn ngày công lao động. Nhờ đó, quá trình thi công thuận lợi, năm 2022, huyện đã đầu tư, nâng cấp được trên 51km đường giao thông nông thôn. Phong trào hiến đất làm đường được người dân nhiệt tình tham gia, nhiều hộ dân tự nguyện hiến hàng trăm m2 đất.

Ông Đỗ Minh Tuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên cho biết, sau hơn 12 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Hưng Yên đã đạt được những kết quả tích cực, môi trường sống ngày càng xanh, sạch, đẹp. Đến nay toàn tỉnh đã có 2.500 km đường đã được xây mới và nâng cấp; 258 đường cây, đường hoa; gần 700 nhà văn hoá được xây dựng tại các thôn. Thu nhập của người dân khu vực nông thôn cũng được nâng cao, từ mức 29 triệu đồng/người/năm vào năm 2011 đến nay đã đạt tới 65 triệu đồng/người/năm. 

Tiếp tục hướng tới nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu  

Năm 2022, tỉnh Hưng Yên có 22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 13 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 23 thôn được công nhận đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. 

Bước sang năm 2023, tỉnh Hưng Yên đặt mục tiêu có thêm 25 - 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 10 - 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 15 - 20 khu dân cư đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 1 huyện hoàn thành các tiêu chí huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021- 2025.

Hưng Yên cũng đề ra kế hoạch đến năm 2025 toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 195 khu dân cư kiểu mẫu, có ít nhất 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Để đạt mục tiêu này, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả Đề án đấu giá quyền sử dụng đất tạo nguồn vốn xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025; trong đó chú trọng đầu tư trực tiếp cho các chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đồng thời, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, tập trung xử lý các điểm nóng về trật tự xã hội nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội ở nông thôn, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất để thoát nghèo bền vững.

Ông Nguyễn Hùng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh đã chỉ đạo thời gian tới các ngành, địa phương thường xuyên, chủ động rà soát các văn bản, hướng dẫn thực hiện, đánh giá nội dung các tiêu chí đảm đúng với các quy định; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nội dung các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu thuộc lĩnh vực phân công, phụ trách.

Tỉnh Hưng Yên cũng yêu cầu các huyện, thị xã và thành phố không chạy theo thành tích trong thực hiện các mục tiêu trong xây dựng nông thôn mới; tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó ưu tiên các công trình dự án có động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; nhu cầu cấp thiết của người dân; thường xuyên quan tâm tới bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

Nguồn bài viết