Báo cáo kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết của thành phố, Phó trưởng Ban Dân vận Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Hồng Hà cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội của thành phố có nhiều thay đổi, nhất là từ khi triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW, Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045”. Nền kinh tế Cần Thơ tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 105.179 tỷ đồng/năm (tính đến 31/7/2022) gấp 8,95 lần cùng kỳ năm 2004. Thu nhập bình quân đầu người đạt 96,9 triệu đồng/người/năm (năm 2020) gấp 9,5 lần năm 2004.
Hạ tầng đô thị được quan tâm đầu tư, nhiều công trình, dự án quy mô lớn, trọng điểm của thành phố được đưa vào sử dụng, bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng. Chất lượng tiêu chí đô thị, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, các hoạt động văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công kịp thời. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
Bà Văn Ngọc Hà (Ban Tổ chức Thành ủy) phát biểu đóng góp ý kiến tại Hội nghị.Bà Văn Ngọc Hà (đại diện lãnh đạo Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ) cho biết, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ đã tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị lồng ghép vào các cuộc họp chi bộ; thường xuyên rà soát, sửa đổi các quy định về xây dựng Đảng đảm bảo bám sát thực tiễn.
Ông Đinh Trung Trực, Phó Chủ tịch Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Cần Thơ nêu những giải pháp hiệu quả mà đơn vị đã thực hiện trong thời gian qua nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX vào đời sống. Đó là kịp thời biểu dương các gương người tốt, việc tốt; phát huy vai trò của các chức sắc, chức việc, nhà tu hành với mô hình “Người có uy tín trong cộng đồng”. Các cuộc vận động đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo… luôn được đơn vị quan tâm triển khai đồng bộ. Kết quả, đến năm 2022, số hộ nghèo của thành phố đã giảm, chỉ còn 0.25%.
Theo Trưởng Ban Dân tộc thành phố Lê Trung Kiên, đơn vị đã chú trọng phát huy hiệu quả mô hình cho vay tín dụng để phát triển kinh tế. Thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức tín dụng nhà nước hỗ trợ hơn 66 tỷ đồng cho hơn 3.000 hộ nghèo dân tộc thiểu số vay vốn thoát nghèo; trợ giúp pháp lý, phổ biến pháp luật đến hàng chục ngàn lượt người dân tộc thiểu số. Tính đến cuối năm 2021, số hộ nghèo người dân tộc thiểu số chỉ còn 152 hộ, chiếm khoảng 1,5% tổng dân số thành phố Cần Thơ.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Trần Thanh Bình thông tin: Ngành đã và đang nỗ lực đổi mới phương pháp, đa dạng hóa hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Bên cạnh đó, ngành tăng cường phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trong công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ; tạo điều kiện để các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong trường học phát huy vai trò, ảnh hưởng và tích cực tham gia quá trình giáo dục toàn diện học sinh, sinh viên. Ngành thường xuyên trao đổi, đối thoại với thế hệ trẻ, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong học sinh, học viên; kịp thời đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái của học sinh, học viên.
Công tác giáo dục của Đoàn đã chuyển từ phương thức truyền thống sang hiện đại thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng nhiều hình ảnh, phim tư liệu, giảng dạy trực quan, góp phần nâng cao sức thu hút và hiệu quả việc học tập lý luận chính trị…
Ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Phạm Văn Hiểu yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền tập trung chỉ đạo, ban hành, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế, xã hội. Thành phố huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống người dân; chú trọng phát triển văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Ông Phạm Văn Hiểu yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị của thành phố tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, sâu sát địa bàn. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức cần nắm vững tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, kịp thời phát hiện và tham mưu giải quyết hiệu quả những bức xúc của người dân; nâng cao chất lượng các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước trên tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội…