Tại buổi lễ, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đề nghị, các cấp, ngành, đoàn thể, các địa phương trong thời gian tới tập trung thực hiện tốt chính sách đền ơn đáp nghĩa bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, tích cực, thường xuyên, liên tục với phong trào "Toàn dân chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công với cách mạng"; chung tay thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, coi đó là trách nhiệm, tình cảm, vinh dự và mệnh lệnh từ trái tim.
Chính quyền các cấp tiếp tục phối hợp, vận động các cơ quan, doanh nghiệp nhận hỗ trợ, giúp đỡ gia đình người có công thuộc diện nghèo vượt qua khó khăn, từng bước nâng cao mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú; nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người có công, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nhằm giải quyết các vấn đề liên quan, bảo đảm quyền lợi của người có công.
Tỉnh thường xuyên tổng kết thực tiễn, đổi mới nội dung, hình thức hoạt động, nâng cao chất lượng, kịp thời khen thưởng, nhân rộng những điển hình tiên tiến trong phong trào; phát hiện, biểu dương, tôn vinh những tập thể, cá nhân người có công với cách mạng phấn đấu vươn lên trong công tác, chiến đấu, lao động và học tập, tiếp tục đóng góp công sức, trí tuệ để xây dựng quê hương giàu mạnh.
Hòa cùng không khí tri ân những người có công với nước, trong những ngày tháng 7, Hậu Giang đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Hội nghị gặp gỡ gia đình chính sách, người có công nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người có công, kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất chính đáng; động viên tinh thần và thông tin đến người có công về chính sách mới của Nhà nước. Địa phương thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân người có công với cách mạng trên địa bàn; dành trên 12 tỷ đồng để tặng quà cho hơn 18 ngàn người có công với cách mạng nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ.
Tỉnh đã vận động, xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” để hỗ trợ xây dựng mới trên 1.000 căn nhà cho các gia đình khó khăn về nhà ở; trong đó, đối tượng ưu tiên là người có công với cách mạng và gia đình chính sách… Đây là những việc làm thể hiện trách nhiệm và thắm đượm truyền thống của tỉnh Hậu Giang; nhận được sự hưởng ứng và tham gia rộng rãi, trở thành phong trào sâu rộng, một nét đẹp trong đời sống văn hóa, góp phần quan trọng vào việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi dậy và bồi đắp những giá trị nhân văn sâu sắc.
Đến nay, Hậu Giang có hơn 36.000 người có công với cách mạng; trong đó có gần 13.000 liệt sỹ; gần 6.000 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 2.042 mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, hiện có 51 mẹ còn sống và đều được các tổ chức, đơn vị nhận phụng dưỡng đến cuối đời. Cùng với đó, các cấp, ngành trong tỉnh đã huy động thêm nguồn lực từ nội lực của địa phương và xã hội hóa để bổ sung các chính sách, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người có công.