Công ty Nga tiết lộ đối thủ cạnh tranh của ChatGPT

1 năm trước 107
Chú thích ảnhPhần mềm SistemmaGPT sẽ hỗ trợ các dự án của doanh nghiệp, chính phủ Nga. Ảnh minh hoạ: Getty Images

Công ty này đã chính thức công bố dự án vào ngày 26/3 vừa qua trên trang web chính thức, với mong muốn đưa phần mềm hỗ trợ các dự án của doanh nghiệp và chính phủ Nga.

Theo kênh truyền hình RT, phần mềm được trang bị trí tuệ nhân tạo (AI) có tên gọi SistemmaGPT là sản phẩm hợp tác giữa công ty và Đại học Stanford.

Sistemma tuyên bố phần mềm AI của họ có thể viết văn bản chất lượng cao và bao hàm kiến thức bách khoa. Công ty cũng tuyên bố phần mềm tương tác chatbot có thể viết hướng dẫn, bài luận, mã lập trình, sơ yếu lý lịch hoặc hỗ trợ trò chuyện trong khi giả làm người nổi tiếng. Phần mềm có thể tìm và phân tích dữ liệu trong thời gian thực, đồng thời tạo ra các chiến lược phát triển và dự án kinh doanh, cũng như điều chỉnh thông tin cho phù hợp với khách hàng và bối cảnh địa phương.

Phần mềm SistemmaGPT hiện ở phiên bản beta trong quá trình hoàn thiện và dự kiến cho công chúng thử nghiệm chính thức vào tháng 6/2023. Bên cạnh đó, Sistemma cũng đang nghiên cứu một phần mềm AI có thể chỉnh sửa hình ảnh và video, dự kiến ​​ra mắt vào năm 2023.

Phần mềm hỏi đáp chatbot AI trở thành tiêu điểm của thế giới khi ChatGPT do OpenAI (Mỹ) phát triển ra mắt vào tháng 11/2022. Kể từ đó đến nay, công cụ này đã thu hút được 100 triệu người dùng, lập kỷ lục là ứng dụng phát triển nhanh nhất. Công cụ trang bị AI đủ thông minh để vượt qua các kỳ thi vào trường luật và trường y. Một sinh viên người Nga đã sử dụng ChatGPT để hoàn thành xuất sắc luận văn tốt nghiệp.

Ngay sau sự thành công của ChatGPT, nhiều công ty đã bắt đầu đầu tư vào các dự án AI của riêng họ. Đầu tháng này, Google và Microsoft đã tiết lộ phần mềm chatbot của họ. Giám đốc điều hành của Tesla và SpaceX, tỷ phú Elon Musk, cũng được cho là đang tìm cách phát triển một phần mềm AI tương tự.

Trong một bài viết bình luận vào tháng 2, chuyên gia an ninh mạng M.H. Homaei lưu ý phần mềm AI này đặt ra “một số rủi ro bảo mật mà các tổ chức phải nhận thức rõ được để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm và danh tiếng”. Hiệu quả của chatbot phụ thuộc vào việc khách hàng cung cấp cho nó dữ liệu có giá trị và điều này có thể khiến nó dễ bị rò rỉ thông tin. Ngày 26/3, OpenAI đã tiết lộ một số thông tin cá nhân và thanh toán của người dùng đã bị rò rỉ trong thời gian ngắn do lỗi hệ thống.

Nguồn bài viết