Công bố sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

2 tuần trước 23
Chú thích ảnhMột góc của trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: TTXVN phát

Theo Nghị quyết số 1198/NQ-UBTVQH của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 0,45 km2, quy mô dân số 5.200 người của phường Mỹ Hương và toàn bộ diện tích tự nhiên 2,64 km2, quy mô dân số 11.356 người của phường Tấn Tài vào phường Kinh Dinh. Sau khi nhập, phường Kinh Dinh có diện tích tự nhiên 3,50 km2, quy mô dân số 24.656 người.

Đồng thời, toàn bộ diện tích tự nhiên 1,1 km2, quy mô dân số 10.660 người của phường Thanh Sơn nhập vào phường Phủ Hà. Sau khi nhập, phường Phủ Hà có diện tích tự nhiên là 2,4 km2, quy mô dân số 23.957 người. Như vậy, sau khi sắp xếp, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có 13 đơn vị hành chính cấp xã gồm 12 phường và 1 xã.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Lê Huyền cho biết, việc sắp xếp đơn vị hành chính là công việc khó, phức tạp, tác động lớn đến tổ chức và hoạt động của các cơ quan, của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tư tưởng, tâm lý của nhân dân mỗi địa phương. Trong bối cảnh đó, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm cao, tiến hành bài bản, khoa học, chắc chắn từng bước theo trình tự, thủ tục, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh và bảo đảm chất lượng, tiến độ theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Ông Lê Huyền nêu rõ, quá trình vận hành bộ máy mới sáp nhập có nhiều thuận lợi, song cũng không ít khó khăn, vì vậy trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể của thành phố Phan Rang - Tháp Chàm tiếp tục đoàn kết thống nhất, nỗ lực, quyết tâm cao hơn nữa, tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ và đồng thuận cao, qua đó thực hiện các nhiệm vụ đạt kết quả cao nhất.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị UBND thành phố Phan Rang - Tháp Chàm chú ý các trường hợp dôi dư khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính để có phương án giải quyết, hỗ trợ thấu tình, đạt lý, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; có biện pháp huy động các nguồn lực, tăng cường đầu tư đối với các trụ sở đơn vị hành chính sau sắp xếp; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thay đổi con dấu, giấy tờ trong thực hiện các giao dịch với các cơ quan nhà nước, nhất là trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân và doanh nghiệp.

Nguồn bài viết