Cái giá của sự 'đi trốn', 'bỏ trốn'

3 năm trước 313
Chú thích ảnh Ảnh minh họa: Tuấn Anh/TTXVN

Nỗ lực hết mình để có thể cứu chữa cho bệnh nhân mắc COVID-19, thậm chí bằng mọi cách giành lại sự sống cho bệnh nhân nặng là những gì có thể thấy từ đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19. Nhưng trong khi các lực lượng chức năng trên cả nước đang căng mình chống dịch; các y, bác sĩ hầu hết đều làm việc với hơn 100% sức lực để điều trị cho bệnh nhân thì có người lại bỏ trốn khỏi bệnh viện. 

Gần đây nhất, ngày 2/9, Công an thành phố Tây Ninh đã phải thông báo truy tìm một bệnh nhân F0 trốn khỏi nơi điều trị tại Trung tâm y tế của thành phố. Trước đó không lâu, trên mạng xã hội cũng lan truyền đoạn clip ghi lại hình ảnh một người đàn ông bỏ chạy trên đường ở TP Hồ Chí Minh bị lực lượng chức năng đuổi theo giữ lại. Thông tin xác minh sau đó thì người này đang được cách ly do có kết quả test nhanh dương tính với SARS-COV-2, nhưng đã bỏ trốn, chạy về nhà. Trong lúc trốn về thì bị lực lượng chức năng phát hiện và truy đuổi. Một trường hợp khác, bệnh nhân Q. mắc COVID-19 đã trèo tường trong đêm trốn khỏi khu điều trị của bệnh viện Quân y 110 đóng tại thành phố Bắc Giang. Sau khi trốn viện, Q. bắt xe khách từ Bắc Giang về bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), rồi từ đây đi xe khách để về quê tại Hà Giang. 

Không chỉ có trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 bỏ trốn khỏi bệnh viện, mà không ít trường hợp bỏ trốn khỏi khu cách ly tập trung. Các vụ việc này đã được phát hiện trong thời gian qua tại các tỉnh, thành phố như Trà Vinh, Thừa Thiên-Huế, An Giang, Tây Ninh, Lạng Sơn, Phú Thọ, Hải Phòng, Bình Dương... 

Bên cạnh đó, tại một số địa phương cũng ghi nhận các trường hợp đi từ vùng dịch về nhưng không muốn khai báo y tế, không muốn thực hiện các quy định phòng, chống dịch; “sợ” phải đi cách ly tập trung theo quy định… nên đã trốn tránh chốt kiểm soát dịch. Các đối tượng này “nghĩ” ra nhiều kiểu để có thể “qua mặt” lực lượng chức năng, trong đó có những thanh niên đã… bơi qua sông, trốn trên đồi cây, tìm cách đi đường vòng, thậm chí là chống người thi hành công vụ. Cá biệt, có trường hợp người từ vùng dịch lợi dụng việc tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hoá lưu thông qua chốt kiểm dịch, đã trốn trong khoang hàng phủ bạt của xe chở lợn để qua chốt kiểm dịch. 

Trong khi đa phần người dân đồng lòng tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch với mong muốn dịch bệnh sớm chấm dứt, thì hành vi vi của một bộ phận cá nhân thiếu ý thức đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” hiện nay. Những hợp bệnh nhân mắc COVID-19 bỏ trốn khỏi bệnh viện không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình điều trị của cá nhân, mà còn vi phạm nghiêm trọng quy định phòng chống dịch, làm tăng nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Các trường hợp trốn khỏi khu cách ly, trốn tránh chốt kiểm dịch cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng chống dịch, bởi các lực lượng chức năng phải tiến hành truy tìm, điều tra lộ trình di chuyển của các đối tượng. Điều này rõ ràng đã gây lãng phí nguồn lực (cả nhân lực và vật lực) trong công tác phòng chống dịch.

Các hành vi vi phạm của các đối tượng đều đã được phát hiện và xử lý kịp thời. Và thực tế, bất cứ trường hợp, cá nhân nào vi phạm quy định phòng, chống dịch cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Cái giá cho sự “đi trốn” và “bỏ trốn” tuỳ theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc có thể bị xử lý hình sự. 

Hiện nay, theo quy định tại Khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP, các trường hợp từ chối hoặc trốn cách ly sẽ bị phạt tiền từ 15-20 triệu đồng. Trường hợp làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm; từ 5 đến 10 năm tù với tội làm lan dịch bệnh truyền nhiễm dẫn đến chết người; từ 10-12 năm với trường hợp làm lây lan dịch bệnh làm chết hai người trở lên (Điểm c Khoản 1 Điều 240 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Nhưng trên hết, sự trả giá đắt nhất chính là khi các hành vi vi phạm lại liên quan đến tính mạng con người, khi đó hậu quả sẽ khôn lường. Hơn thế nữa, trong khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, tất cả các ngành các cấp, các địa phương, các lực lượng chức năng, nhất là lực lượng nơi tuyến đầu chống dịch không quản ngày đêm, nỗ lực góp phần mong đẩy lùi dịch bệnh, thì các hành vi đi ngược lại với sự nỗ lực chung của toàn xã hội đều trở thành những hành động phản cảm, trở nên vô cùng xấu xí và méo mó.

Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm về phòng chống dịch cũng chỉ là biện pháp sau cùng, có tính chất răn đe. Vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức của mỗi cá nhân trong phòng chống dịch. Mỗi người cần tuân thủ tuyệt đối quy định 5K và mới đây là thông điệp 5T của Bộ Y tế (gồm: Tuân thủ nghiêm 5K- Thực phẩm đủ tại nhà- Thầy, thuốc đến tận gia- Test COVID tất cả- Tiêm chủng tại phường/xã).

Cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” hơn bao giờ hết cần có sự chung sức, đồng lòng của tất cả mọi người dân. Mỗi cá nhân đều cần tự nâng cao ý thức, để không còn thấy thêm bất cứ cuộc “bỏ trốn” hay “đi trốn”, cũng là để không lãng phí thêm bất cứ một nguồn lực nào, tất cả tập trung điều trị cho bệnh nhân và dập dịch thành công.

Nguồn bài viết