Các địa phương tăng cường phòng, chống dịch COVID-19

3 năm trước 245
Chú thích ảnhLực lương chức năng kiểm tra phương tiện giao thông tải lưu thông vào địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Chanh Đa/TTXVN

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với đội ngũ lái xe, phụ xe ra, vào địa bàn

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, hiện nay, nhiều địa phương trong tỉnh đã được nới lỏng có biện pháp giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 15/CT-TTg và Chỉ thị 19/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đang từng bước đưa các địa phương trở lại trạng thái “bình thường mới”. Điều này dẫn đến một số địa phương, cơ quan, đơn vị có tâm lý chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Nhất là trong việc quản lý đội ngũ lái xe ra, vào địa bàn tỉnh và một số doanh nghiệp, bộ phận đội ngũ người lái xe, phụ xe chấp hành chưa nghiêm các quy định về quản lý sinh hoạt tập trung, lưu trú tạm thời dẫn đến một số ca nhiễm virus SARS-CoV-2, người tiếp xúc gần (F1) liên quan đến các đối tượng này.

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương, kết quả đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo, tăng cường hơn nữa công tác quản lý đội ngũ lái xe, phụ xe; nhất là đội ngũ lái xe, phụ xe ra, vào địa bàn tỉnh (kể cả các phương tiện của tỉnh Bạc Liêu đi và về từ các tỉnh, thành phố  khác), đảm bảo tất cả các trường hợp ra, vào địa bàn tỉnh phải được cách ly y tế theo quy định.

Tuyệt đối không cho phép áp dụng cách ly y tế tại nhà đối với các đối tượng là lái xe, phụ xe ra, vào địa bàn tỉnh (kể cả các phương tiện của tỉnh Bạc Liêu đi và về từ các tỉnh, thành phố khác); trường hợp là lái xe, phụ xe của doanh nghiệp có nhiều phương tiện vận tải (trên 10 phương tiện) thì áp dụng cơ chế quản lý sinh hoạt tập trung, lưu trú tạm thời tại khu lưu trú do doanh nghiệp tự bố trí có kèm điều kiện và phải đặt dưới sự giám sát của chính quyền cấp huyện.

Trường hợp nằm ngoài các nhóm đối tượng nêu trên thì giao cho UBND cấp huyện thực hiện theo một trong hai phương án gồm: Phương án 1, thiết lập bổ sung thêm khu cách lý tập trung cấp huyện dành riêng cho các đối tượng này. Trong đó, cho phép những người này ăn nghỉ tại khu (quản lý như đối tượng cách lý y tế tập trung), đến khi có nhu cầu điều khiển phương tiện thì được rời đi.

Phương án 2, rà soát lựa chọn cơ sở lưu trú (Khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ,…) trên địa bàn có đủ điều kiện sinh hoạt phòng, chống dịch COVID-19 để bố trí các đối tượng này vào khu lưu trú (cách ly y tế tạm thời) đến khi có nhu cầu vận chuyển phương tiện thì được rời đi, chi phí do đối tượng chi trả toàn bộ theo sự thỏa thuận với chủ cơ sở lưu trú có sự chứng nhận của chính quyền địa phương. Trường hợp này các cơ sở lưu trú phải có cam kết chịu trách nhiệm về đảm báo công tác phòng, chống dịch theo quy định và được cơ quan chức năng cấp huyện kiểm tra, chấp thuận.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều, lưu ý, tất cả trường hợp nêu trên phải chịu sự theo dõi, giám sát của chính quyền (trực tiếp là cấp xã), nếu không chấp hành nghiêm túc hoặc có hành vi vi phạm công tác phòng, chống dịch thì phải kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm khắc theo quy định, đồng thời sẽ không được xem xét cho áp dụng các hình thức cách ly tương tự trong thời gian tới.

Phối hợp tổ chức đón người dân có nhu cầu trở về quê

Chiều 26/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa đã ký văn bản đề nghị các địa phương lân cận về việc phối hợp tổ chức đón người dân có nhu cầu trở về quê.

Qua 6 ngày thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID- 19 theo Chỉ thị số 15/CT-TTg, từ ngày 21/9 đến nay, Long An đã ghi nhận hơn 500 trường hợp là người dân quê ở các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long... tự di chuyển từ các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam bộ qua địa bàn Long An để trở về quê nhưng chưa được sự cho phép di chuyển của các địa phương này.

Do đó những người dân này đã “kẹt” lại tỉnh Long An. Trước đó, UBND tỉnh Long An có văn bản đề nghị và được các tỉnh, thành phố đồng ý có kế hoạch phối hợp tổ chức đón người dân trở về quê như: Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Vĩnh Long... Trong đó tỉnh Đồng Tháp đã đón nhận 104 người dân về quê. Hiện vẫn còn khoảng 400 người dân mong muốn được trở về địa phương, những người này đã được tiêm vaccine và được các lực lượng chức năng tỉnh Long An quản lý, chăm sóc sức khỏe và thực hiện xét nghiệm theo quy định của Bộ Y tế.

UBND tỉnh Long An cũng đã giao Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Giao thông Vận tải, UBND huyện Tân Thạnh, UBND thành phố Tân An phối hợp với các ngành chức năng các tỉnh, thành phố nói trên để thống nhất việc đưa, đón người dân trở về địa phương; thời gian dự kiến từ ngày 27/9 đến ngày 30/9/2021...

Nguồn bài viết