Các địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19

2 năm trước 229

Theo đó, mức hỗ trợ là 80.000 đồng/người/ngày, số người được hỗ trợ không quá 1 người/tổ/ngày. Với trên 2.800 Tổ công tác cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19, mỗi ngày tỉnh Kon Tum sẽ hỗ trợ trên 220 triệu đồng. Về nguồn kinh phí thực hiện, UBND tỉnh kiến nghị Trung ương hỗ trợ 70%; 30% còn lại địa phương sẽ cân đối ngân sách.

Chú thích ảnhLực lượng y tế tỉnh Kon Tum đo thân nhiệt và hướng dẫn cho người dân khai báo y tế, chiều 24/6. Ảnh: TTXVN phát

 UBND tỉnh Kon Tum đã có Chỉ thị số 13/CT-UBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19; nâng cảnh báo phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh lên mức cao nhất, không tập trung quá 20 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; tiếp tục tạm dừng tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người; các hoạt động, nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu…

Toàn tỉnh Kon Tum hiện có trên 350 người được cách ly tập trung, 442 người cách ly tại nhà. Các trường hợp F1, F2 qua xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Ngành chức năng tỉnh đã xử phạt các trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch COVID-19 tổng số tiền trên 710 triệu đồng. Riêng đối với hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng, 428 trường hợp đã bị xử lý, với tổng số tiền phạt hơn 555 triệu đồng.

* Theo số liệu tổng hợp của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, trong vòng 24 giờ qua (từ 16 giờ ngày 14 đến 16 giờ ngày 15/7), trên địa bàn thị xã Ninh Hòa đã ghi nhận 40 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 32 ca mắc được ghi nhận trong cộng đồng dân cư. Trong khi đó, các địa phương khác của tỉnh Khánh Hòa ghi nhận thêm 13 trường hợp vào cùng thời điểm, trong đó thành phố Nha Trang có 11 ca mắc.

Tính đến nay, Khánh Hòa đã có tổng số 397 trường hợp mắc COVID-19, trong đó thị xã Ninh Hòa xếp ở vị trí cao nhất với 240 trường hợp. Đây là địa phương cùng với thành phố Nha Trang và huyện Vạn Ninh đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg (kể từ 0 giờ ngày 9/7) và hiện đã có hơn 50 khu dân cư phải phong tỏa tạm thời.

Sở Y tế Khánh Hòa đã thiết lập Bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa (Bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Diêm) để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn thị xã.

Chú thích ảnhNhân viên y tế tại khu vực xét nghiệm nhanh kháng thể SARS-CoV-2 Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa thực hiện lấy thông tin của hành khách. Ảnh: Phan Sáu/TTXVN

UBND tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo ngành y tế thực hiện phương châm thần tốc lấy mẫu, xét nghiệm, truy vết, không để trùng lặp, bỏ sót; phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc COVID-19 trong cộng đồng, nhất là các địa phương có mức độ “nguy cơ rất cao”, trong đó có thị xã Ninh Hòa. Tính đến nay, thị xã Ninh Hòa đã tiến hành lấy và xét nghiệm RT-PCR với hơn 23 nghìn mẫu, test nhanh hơn 17 nghìn trường hợp.

Khánh Hòa còn yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nghiên cứu, xem xét, quyết định việc thực hiện thí điểm cách ly y tế tại nhà cho các trường hợp F1 trên địa bàn, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/7/2021. Trong đó, trước mắt sẽ thí điểm tại thị xã Ninh Hòa khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế.

* Tối 15/7, UBND tỉnh Bình Thuận có công văn chỉ đạo việc tăng cường kiểm soát, quản lý người vào tỉnh Bình Thuận. Theo đó, từ 0 giờ ngày 16/7/2021, Bình Thuận không tiếp nhận người đến, về từ những địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, trừ các trường hợp khẩn cấp như: Cấp cứu chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn…; trường hợp vận chuyển nguyên vật liệu cho sản xuất, lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác; thực thi công vụ và những trường hợp có thỏa thuận giữa tỉnh Bình Thuận với các tỉnh, thành phố.

Theo Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn đang diễn biến hết sức phức tạp. Thị xã La Gi đã thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg từ 0 giờ ngày 15/7. Tỉnh đang huy động lực lượng tại các huyện và thành phố Phan Thiết hỗ trợ thị xã La Gi chống dịch. Nếu tiếp nhận thêm người từ vùng dịch trở về Bình Thuận, khả năng tỉnh không đủ cơ sở vật chất, nhân lực và không đảm bảo công tác chữa trị tốt nhất.

Tối 15/7, Bộ Y tế công bố Bình Thuận có thêm 17 trường hợp mắc COVID-19. Như vậy, toàn tỉnh hiện có 45 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó thị xã La Gi có 24 trường hợp) đang điều trị tại các cơ sở y tế.

* Tối 15/7, UBND thành phố Cần Thơ ban hành văn  bản tổ chức lại hoạt động vận tải hàng hóa thiết yếu đường bộ, đường thủy theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg. Theo đó, phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu bằng đường bộ từ vùng dịch sẽ được lưu thông qua các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố khi lái xe và người đi cùng có phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 không quá 3 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm hoặc giấy xác nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19.

Lái xe và người đi cùng không có phiếu xét nghiệm SARS-COV-2 phải thực hiện việc xét nghiệm tại bệnh viện gần nhất hoặc các điểm test nhanh COVID-19 được bố trí tại các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 và trả phí theo quy định. Nếu lái xe và người đi cùng có kết quả xét nghiệm SARS-COV-2 âm tính và đáp ứng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 sẽ được đưa phương tiện vào Cần Thơ. 

Đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng tàu biển; phương tiện thủy nội địa vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ vùng dịch vào cảng, bến trên địa bàn thành phố, thuyền viên và người đi cùng trên phương tiện khi lên bờ phải có giấy xét nghiệm kết quả âm tính với SARS-CoV-2 không quá 3 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm hoặc giấy xác nhận đã tiêm đủ hai mũi vaccine phòng COVID-19. Trường hợp không có phiếu xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2, người đi trên phương tiện không được lên bờ và phải thực hiện tự cách ly trên phương tiện hoặc tại khu vực cách ly có kiểm soát, khi có nhu cầu lên bờ phải liên hệ với chính quyền địa phương và cơ quan y tế có thẩm quyền để khai báo y tế, xét nghiệm SARS-COV-2 (có thu phí theo quy định).

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với UBND các quận, huyện thiết lập các điểm tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 (test nhanh) tại các điểm kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố, phun khử khuẩn phương tiện trước khi vào thành phố, bố trí điểm xét nghiệm, vị trí kiểm tra riêng biệt và ưu tiên xét nghiệm cho lái xe và người đi cùng đối với phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, nông sản để tạo điều kiện về thời gian vận chuyển nhanh nhất, không bị ảnh hưởng đến chất lượng hàng hóa.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất an toàn trong điều kiện thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ đã ban hành văn bản chỉ đạo Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ tiếp nhận, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp. UBND các quận, huyện tiếp nhận, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch của các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp dưới 100 công nhân, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích theo phân cấp quản lý trên địa bàn.

Sở Công Thương tiếp nhận, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát công tác phòng, chống dịch của các công ty, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp trên 100 công nhân, các chợ đầu mối, siêu thị và các cơ sở sản xuất kinh doanh theo thẩm quyền quản lý.

Tính đến tối 15/7, Cần Thơ ghi nhận 57 trường hợp mắc COVID-19. Số trường hợp đang cách ly tập trung là 1.106 người. Số người đang trong thời gian theo dõi sức khỏe, cách ly tại nhà và cơ sở lưu trú trên địa bàn là 4.030 người.

Nguồn bài viết