Các chợ truyền thống bố trí vách ngăn, màn ngăn giữa các quầy hàng để phòng dịch

2 năm trước 262

Trưa 21/7, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh vừa có văn bản hỏa tốc gửi đến các quận, huyện, TP Thủ Đức, các chợ đầu mối, đơn vị quản lí chợ truyền thống trên địa bàn về việc hướng dẫn tổ chức hoạt động các chợ đảm bảo an toàn để cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. 

Chú thích ảnhCác vách ngăn được thực hiện tại các chợ truyền thống nhằm phòng dịch COVID-19.

Cụ thể, đối với tổ chức hoạt động của các chợ truyền thống trên địa bàn, Sở Công thương yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng cường các biện pháp phòng chống dịch tại chợ như: nghiêm túc thực hiện thông điệp 5K của Bộ Y tế, kiểm tra số lượng người vào chợ thông qua việc phát phiếu, quét mã QR; rà soát tổng thể các khu vực bán hàng tại chợ để có phương án điều tiết khu vực kinh doanh phù hợp, đảm bảo thực hiện giảm mật độ mua sắm, giữ khoảng cách an toàn phù hợp.

Ngoài ra, các chợ cũng cần bố trí khu vực giữ xe cho khách đi chợ, khu vực xếp hàng vào chợ phải đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định, bố trí nhân sự hướng dẫn người dân khi đến mua sắm ngay từ khu vực để xe, lối ra vào và khu vực bên trong chợ.

Sở Công thương yêu cầu ban quản lí các chợ cần nghiên cứu áp dụng phương án chia tần suất đi chợ thông qua "thẻ ra vào chợ" để kiểm soát lượng người mua sắm. Cụ thể, căn cứ điều kiện thực tế tình hình cung ứng hàn hóa trên địa bàn, các phường, xã có thể phân chia tần suất đi chợ như 2 ngày/lần hoặc 3 ngày/lần, mỗi gia đình sẽ được phát 10 hoặc 15 thẻ trong 30 ngày; tổ chức cho tiểu thương kinh doanh theo hình thức luân phiên, xen kẽ (phân chia thời điểm, vị trí bán hàng xen kẽ, hoặc chia theo ngày chẵn, lẻ...) trong trường hợp cần thiết. 

Ban quản lý các chợ cũng cần phong tỏa các cửa phụ, lối đi phụ tại các chợ nhằm phân luồng di chuyển. Đồng thời, rà soát bố trí khu vực để giãn cách vị trí của các tiểu thương, tận dụng các khu vực trống trong chợ như khu kinh doanh thức ăn, sân chợ... để tổ chức khu vực kinh doanh phù hợp, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m khi tiếp xúc và giao dịch hàng hóa; nghiên cứu bố trí vách ngăn/màn ngăn trong suốt giữa các hộ tiểu thương, gian bán hàng, giữa người bán và người mua; Sở cũng yêu cầu tiểu thương treo bảng niêm yết giá rõ ràng, phù hợp để thuận tiện cho người dân khi mua sắm.

Đối với một số địa phương có đặc thù như dịch bệnh diễn biến phức tạp, có nhiều lý do khách quan khó khôi phục lại hoạt động các chợ truyền thống, UBND thành phố Thủ Đức, các quận, huyện cần thiết lập các điểm bán với quy mô nhỏ. Trước mắt, ưu tiên tập trung vào các mặt hàng tươi sống, rau củ quả, trái cây tại khu vực chợ hoặc các điểm bán với địa điểm phù hợp trong các khu dân cư. Trong trường hợp cần thiết, các địa phương có thể rà soát các khu vực phù hợp để tổ chức điểm bán trên cơ sở tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo các đơn vị quản lí chợ cần khuyến khích các thương nhân bán hàng trực tuyến, bán hàng qua điện thoại, chuyển hàng trực tiếp đến các đầu mối tiêu thụ, hay nghiên cứu các mô hình đã được đã triển khai hiệu quả tại một số đơn vị như: đi chợ thay, đi chợ Online...

 

Nguồn bài viết