Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội: Hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng

1 năm trước 90
Chú thích ảnhPhường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) tổ chức chi trả tiền hỗ trợ theo NQ 68/NQ-CP cho 100 trường hợp được phê duyệt, với số tiền 1,5 triệu/người. Ảnh tư liệu: Hoàng Hiếu/TTXVN

Trong nửa nhiệm kỳ qua, Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đã được chỉ đạo triển khai quyết liệt, hiệu quả, tác động tích cực đến đời sống nhân dân, được người dân đồng tình, hưởng ứng, khẳng định tính đúng đắn, ý nghĩa nhân văn sâu sắc của Chương trình.

Sau hơn hai năm triển khai, Chương trình đã hoàn thành và hoàn thành vượt kế hoạch của cả nhiệm kỳ 14/27 chỉ tiêu, trong đó có nhiều chỉ tiêu quan trọng như: Tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp. Thành phố có 9 chỉ tiêu đang triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ và 3 chỉ tiêu còn gặp nhiều khó khăn cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Điểm nổi bật của Chương trình số 08-CTr/TU từ đầu nhiệm kỳ đến nay là nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của thành phố Hà Nội đã được ban hành để kịp thời phục vụ phòng, chống dịch; chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ người dân, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 6.227.000 đồng/người/tháng (bằng 103,7% so với năm 2021). Thành phố quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn; phát triển kinh tế-xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Tính ưu việt và nhân văn của Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đã được thể hiện qua đợt dịch COVID-19 và các dịp lễ, Tết. Một số địa phương có những cách làm hay, sáng tạo trong triển khai thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU, tạo sức lan tỏa, mang lại niềm tin cho nhân dân...

Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số khó khăn, vướng mắc như: Còn tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh. Tiến độ đề xuất chủ trương đầu tư cơ sở y tế của các huyện còn chậm. Việc triển khai lập hồ sơ quản lý sức khỏe toàn dân, khám chữa bệnh từ xa, bệnh án điện tử còn hạn chế do chưa có phần mềm dùng chung toàn thành phố. Tình hình sản xuất, kinh doanh của nhiều đơn vị sử dụng lao động còn khó khăn, nhiều đơn vị làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng, người lao động tạm thời ngừng việc hoặc bị chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Vẫn còn tình trạng doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ cho người lao động, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động…

Phát biểu tham luận, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến cho biết, năm 2023, thành phố phấn đấu có 2,15 triệu lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 100 - 200 nghìn người so với năm 2022, chiếm 43% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 115 nghìn người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng trên 64 nghìn người so với năm 2022, chiếm 2% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia bảo hiểm y tế trên 8 triệu người, tăng 250 - 300 nghìn người so với năm 2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,5% dân số.

Để hoàn thành được mục tiêu trên, Bảo hiểm xã hội thành phố đề nghị HĐND, UBND thành phố quan tâm, phê duyệt danh mục ban hành Nghị quyết năm 2023 theo thẩm quyền của HĐND thành phố về "hỗ trợ kinh phí cho một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025".

Tham luận về nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, phấn đấu trở thành quận trong năm 2023, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đông Anh Nguyễn Văn Cường cho biết, Đông Anh đang là huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều dự án lớn, đi kèm với đó là thách thức không nhỏ về vấn đề an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân trong huyện. Từ những kết quả đạt được và kinh nghiệm thực tiễn về vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trong phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân, Đông Anh tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu lên quận trong năm 2023.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, những kết quả đạt được trong Chương trình đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, đảm bảo an sinh xã hội, là nền tảng cho sự ổn định, phát triển của thành phố. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới như 3 chỉ tiêu thuộc lĩnh vực y tế về số giường bệnh trên vạn dân, số bác sĩ trên vạn dân, tỷ lệ người dân được quản lý sức khỏe, kết quả đạt được còn thấp; một số văn bản, nhiệm vụ của Chương trình thực hiện còn chậm so với kế hoạch; tiến độ một số dự án, công trình lĩnh vực y tế theo Nghị quyết số 02 của HĐND thành phố và các dự án xã hội hóa triển khai còn chậm…

Để hoàn thành toàn diện các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình số 08-CTr/TU, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, nội dung và các chỉ tiêu của Chương trình để các cấp, các ngành và mọi người dân hiểu, đồng tình hưởng ứng; tiếp tục nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách mới, chính sách đặc thù để người dân của Hà Nội được quan tâm, chăm lo với yêu cầu ở mức cao hơn, đối tượng mở rộng hơn so với Trung ương, nhất là đối với người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn lưu ý, tập trung phát triển hạ tầng làm cơ sở cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống người dân; tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội và huy động các nguồn lực phục vụ công tác an sinh xã hội. Đa dạng hóa các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong việc thực hiện các chính sách xã hội, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; không được chủ quan, lơ là, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch COVID-19.

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề công tác năm 2023 "Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển", đề cao vai trò, trách nhiệm và sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp, các ngành trong việc triển khai thực hiện Chương trình, tập trung chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, trọng tâm, trọng điểm gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện.

Nguồn bài viết